Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, gánh vác vận mệnh của non sông xã tắc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm, yêu thương thế hệ măng non của đất nước. Người luôn dành cho các em thiếu niên nhi đồng tình cảm nồng hậu và sự dạy bảo tận tình.

TRUNG THU NHỚ BÁC

          “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

 Tính các cháu ngoan ngoan. Mặt các cháu xinh xinh”.

(Thư gửi các cháu nhi đồng, 25/9/1952 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 571-572)

Ảnh Tư liệu

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, gánh vác vận mệnh của non sông xã tắc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm, yêu thương thế hệ măng non của đất nước. Người luôn dành cho các em thiếu niên nhi đồng tình cảm nồng hậu và sự dạy bảo tận tình. Mỗi dịp Tết Thiếu nhi, khai giảng năm học mới và Tết Trung thu Bác luôn gửi thư cho thiếu niên nhi đồng để chia sẻ niềm vui với các em và cũng không quên dạy dỗ bảo ban các em học tập, rèn luyện để sau này thành người có tài, có đức phục vụ non sông đất nước. 

Nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, Bác Hồ đã viết bài báo: "Tết Trung thu với nền độc lập" in trên báo Cứu Quốc số 45 ngày 17 tháng 9 năm 1945. Chia sẻ với các em niềm vui, hạnh phúc trong Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước sau khi giành được độc lập. Bác viết:

“Cùng các trẻ em yêu quý!

Hôm nay là Tết Trung thu

Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào hoa nào nhiều đồ chơi khác.

Các em vui vẻ nhỉ!

Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm các em vui cười hớn hở.

Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười, hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.

Hôm nay, tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong  hội.

Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?

Trung thu này, già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em 100 cái hôn thân ái!”.

(Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng 12/9/1951 Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập6, tr299-301)

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc còn nhiều gian khó vất vả, Bác cũng không quên gửi thư động viên, an ủi các em nhân ngày Tết Trung thu. Bởi vì nhẽ ra những ngày này các em phải được vui chơi, được sống trong sự yêu thương chăm sóc của người thân. Vì thực dân cướp nước, vì tương lai của đất nước mà các em cũng phải theo gia đình đi kháng chiến. Có nhiều em nhỏ còn tham gia giúp đỡ bộ đội, không quản ngại khó khăn, vất vả nơi rừng thiêng nước độc. Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng năm 1948, Người viết: “Nhiều cháu phải xa cha mẹ đến núi đỏ rừng xanh. Nhiều cháu chịu khó nhọc, hăng hái giúp các anh bộ đội. Nhiều cháu ở hậu phương thấy đồng bào hi sinh cực khổ, không nỡ ăn Tết Trung thu vui sướng một mình”, và Người đã thay mặt toàn thể đồng bào hứa với các cháu: “Sớm đuổi bọn thực dân phản động để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi”. Cuối thư, Người khuyên các cháu “ra sức học hành” và không quên “gửi lời hôn các cháu”.

Trong những năm kháng chiến đầy cam go và khó khăn tuy thiếu thốn đủ bề nhưng với sự quan tâm và động viên của Bác đã khiến cho thiếu niên nhi đồng càng cố gắng học tập, rèn luyện và giúp đỡ người lớn những công việc phù hợp với sức vóc của mình.

Trung thu năm 1949, Bác viết: “Trung thu năm nay, Bác cũng chưa có quà gì cho các cháu, nhưng Bác chắc chắn rằng sau này các cháu sẽ có Tết Trung thu linh đình là Tết Trung thu kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Bây giờ các cháu hãy nhận cái hôn Bác Hồ”.

Trung thu năm 1951, Người mở đầu thư gửi cho thiếu niên nhi đồng bằng bốn câu thơ:

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi thăm các cháu tỏ lòng nhớ nhung.

Trung thu năm 1952, Bác gửi cho các em thiếu nhi những lời nhắn nhủ dạy bảo ân cần:

“Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình…

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh.”

 Đây là giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ kháng chiến cam go nhất nhưng Bác vẫn không quên bày tỏ niềm thương nhớ tới các em thiếu nhi ở mọi miền của đất nước. Trong thư của Người gửi có ẩn chứa nỗi buồn lo cho các em và cũng biểu dương tinh thần dũng cảm của thiếu nhi.

Trung thu năm 1953, Người gửi thư cho các em với mong muốn: “Thu sau so với thu này vui hơn”. Trung thu năm 1954, sau chín năm trường kỳ kháng chiến đã giành được thắng lợi, lúc này các cháu thiếu nhi miền Bắc đã được sống trong cảnh hòa bình. Người không quên gửi thư chúc thiếu nhi: “Vui vẻ, mạnh khỏe, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành”. Nhưng niềm vui của Bác dường như vẫn chưa được trọn vẹn, vì Người còn một nỗi niềm trăn trở về các cháu miền Nam còn đang phải sống trong cảnh chưa có hòa bình, chưa có tự do. Điều đó được thể hiện ở hai câu thơ cuối:

“Đến ngày Nam Bắc vui chung

Các cháu xúm xít thì lòng ta vui”.

Ảnh Tư liệu

Đã 43 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh i vào cõi vĩnh hằng và 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, những ngày Tết Trung thu của các cháu thiếu niên nhi đồng ngày càng đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn trong tình yêu thương của gia đình và sự quan tâm của xã hội. Nhưng trong trái tim của mỗi người con đất Việt, nhất là của các cháu thiếu niên nhi đồng hôm nay cứ đến ngày này lại thổn thức nhớ về Người. Nhớ về tình yêu thương bao la, tấm lòng nhân hậu của Bác.

                        Theo:Kim Yến ( Trang tin điện tử Ban quản lý lăng chủ tịch Hồ Chí Minh)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 256.407
Trong năm: 152.647
Trong tháng: 47.122
Trong tuần: 15.789
Trong ngày: 2.333
Online: 8