Bão số 10 đi qua để lại bao “vết thương” cho người dân. Ngay xóm nhỏ Hải Bắc gần cồn Gò xã Cẩm Nhượng, trong bỗng chốc, nhà cửa thành một đống hoang tàn. Người dân bàng hoàng, hoảng loạn, không biết bám víu vào đâu nhưng rất nhanh chóng chính quyền địa phương, tấm lòng của những người con xa quê và triệu triệu tấm lòng người con đất Việt trong và ngoài nước đã đến động viên và chia sẻ kịp thời. Những “vết thương” do bão đang dần được xóa nhòa bởi hơi ấm tình người.
Sóng đã yên, bể đã lặng nhưng sự tàn phá của bão số 10 vẫn còn phơi bày trong cuộc sống người dân xã Cẩm Nhượng. Nơi xóm nhỏ Bắc Hải sát Cồn Gò, hàng loạt ngôi nhà bị sụp đổ vẫn chưa thể xây dựng lại. Nhưng thay vào đó là mái ấm tình người. Lần lượt hết đoàn này đến đoàn khác, từ mọi miền tổ quốc lại đến đây, đứng trên chính những ngôi nhà bị bão quật cho đổ nát ấy để trao cho người dân những món quà ủng hộ.
Báo Tuổi trẻ tặng quà cho một người dân ở Cẩm Nhượng bị sập nhà.
Chị Nguyễn Thị Hà, có chồng đi là ăn xa, chị cùng 3 đưá con nhỏ ở nhà. Trước bão, mẹ con chị phải di dời theo lệnh của chính quyền địa phương. Khi mẹ con chị trở về thì nhà sập đã gần hết. Chị rơm rớm: “Mới về nhìn hoảng luôn em ạ. Toàn bộ gian ngoài sập, bếp và công trình vệ sinh đều sập. Một tay 3 nách đứa con nhỏ chị nghĩ không biết rối sẽ xoay xở sao đây. Nhưng ngay sau đó đã có các chú bộ đội đến. Các chú dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại các đống đổ nát, sửa sang lại gian nhà chưa bị “đánh” để cho mẹ con chị ở tạm. Nhiều nhà hảo tâm cũng đã đến trao ủng hộ. Nhờ vậy, cuộc sống mẹ con sau khi trở về vẫn không bị đảo lộn, không thiếu cơm, thiếu nước. Các cháu vẫn kịp trở lại trường học cùng bạn bè”…
Cơn bão số 10 đã làm gần 1500 ngôi nhà ở Cẩm Nhượng bị tốc mái, hư hỏng, trong đó có 52 ngôi nhà bị đổ sập, 10 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Huệ là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong thôn. Chồng bà mất sớm, bà có hai đứa con nhưng hoàn cảnh đều khó khăn. Bà ở một mình. Cả đời bà tằn tiện tích góp chỉ xây dựng được ngôi nhà nho nhỏ nhưng cơn bão số 10 tàn nhẫn đã cướp đi tất cả của bà. Bà đã kêu khóc ông trời cho khản cả cổ. Biết rõ hoàn cảnh của bà, đã rất nhiều người đến động viên, chia sẻ . Bà Huệ xúc động: "Khi đi thì nhà cửa bình thường nhưng khi về thì không có chi nữa cả, sụp đổ hết. Tui hoảng loạn, đứng khóc giữa mưa. Cả đời tui chắt chiu được từng đó, dừ biết ở mô, biết bám víu vào ai?! Anh Huyền Chủ tịch xã là người đến đầu tiên. Thấy anh tui kêu: "Cứu với anh Huyền ơi. Dừ tui biết mần răng đây". Anh Huyền nói, bà cứ yên tâm, có mọi người quanh bà, không ai để bà một mình đâu. Rồi anh Huyền đưa cho tui 2 triệu và nói đây là hỗ trợ ban đầu bà cầm vào dân mua cơm, nước... Sau đó, các cấp, ngành, đặc biệt là Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch MTTQ (ông đang bệnh) đến thăm hỏi, động viên thường xuyên. Và các nhà hảo tâm đến. Ngày nào cũng có người đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Chính quyền còn nói là đã có người đăng ký làm nhà mới cho tui... Dừ thì tui tin rồi, mọi người không thờ ơ, vô cảm, không bỏ rơi tui. Tui sẽ không khóc nữa"...
Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Vũng Tàu trao quà cho người dân xã Cẩm Nhượng
Có qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Từ người cán bộ địa phương chăm lo cho dân, đến tấm lòng những người con xã quê và triệu triệu tấm lòng người Việt trong và ngoài nước đều hướng về nỗi đau của người dân, cùng chia sẻ để người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Chị Phạm Thị Phương Anh – Chủ tịch Hội đồng hương Cẩm Nhượng tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghe tin dự báo thời tiết Cẩm Nhượng là vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 10 những người con xa quê như chúng tôi đứng ngồi không yên. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến về bão và tình hình tại địa phương, cả ngày cả đêm không ngủ. Xem những hình ảnh quê hương bị bão tàn phá trên các phương tiện truyền thông chúng tôi đã khóc. Và không ai bảo ai, chúng tôi đã cùng chia sẻ thông tin về thiệt hại của quê hương và phát động lời kêu gọi ủng hộ bà con khắc phục hậu quả. Trước mắt, chúng tôi đã quyên góp được 300 triệu đồng vể trao cho bà con. Hiện con em Cẩm Nhượng xa quê đang tiếp tục kêu gọi ủng hộ và vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ”...
Các lực lượng Công an, Quân sự, Đoàn Thanh niên cũng đã được huy động để giúp nhân xã Cẩm Nhượng khắc phục hậu quả bảo số 10.
Ông Nguyễn Sỹ Huyền – Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng chia sẻ: Với tinh thần bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, chúng tôi đã tổ chức di dời trên 5000 dân, trong đó có khoảng 500 người buộc chúng tôi phải cưỡng chế di dời. Cẩm Nhượng bị thiệt hại nặng nề nhưng trong cái khó khăn cũng có thêm niềm tin và động lực. Niềm tin lớn nhất đó chính là niềm tin của nhân dân giành cho chính quyền. Còn động lực là tất cả tính mạng người dân đều an toàn; là ý chí, nghị lực của người dân; là tấm lòng của những người con xa quê và của cả cộng đồng…
Đến thời điểm này, Cẩm Nhượng đã có đến 60% tàu thuyền ra khơi để sản xuất trở lại. 40% còn lại đang khẩn trương sữa chữa tàu, thuyền để tiếp tục ra khởi. Đặc biệt nhất là sự tiếp sức của cộng đồng. Đến thời điểm này, Cẩm Nhượng đã tiếp nhận 18 tấn gạo, 2 tấn bột mỳ và hàng trăm suất quà bằng tiền mặt cho người dân bị thiệt hại. Riêng trường hợp bà Huệ (người có hoàn cảnh đặc biệt nhất) đã có người đăng ký làm nhà mới cho bà. Xã đang liên tục cập nhật đăng ký hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước…
Trong những ngày qua nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, con em xa quê đã đến với người dân xã Cẩm Nhượng để thăm hỏi, tặng quà, động viên, chia sẽ.
Mưa bão đi qua, tình người thắm lại. Hơn lúc nào hết, trong thiên tai hoạn nạn tình người lại được nhân lên, lan tỏa, sưởi ấm cho nhau để vơi đi nỗi đau mất mát và sớm xóa nhòa “vết thương” do thiên tai để lại.
Bài, ảnh: Biện Nhung- Hương Thành