Sau những tháng ngày xông pha nơi trận mạc, nơi chiến trường để bảo vệ quê hương, đất nước, những CCB, thương binh, bệnh binh trở về với quê hương Cẩm Xuyên anh hùng đã và đang viết tiếp trang sử truyền thống với nhiều thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.
Bằng ý chí, nghị lực của mình các thương binh, bệnh binh, các gia đình thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng, đã vượt qua khó khăn, ốm đau bệnh tật để vươn lên phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều thương binh, bệnh binh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, hiến đất, hiến của, hiến công để mở rộng giao thông nông thông, xây dựng kết cấu hạ tầng; Tích cực đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, các hoạt động xã hội, khuyến học, khuyến tài. Nhiều người là những bí thư, thôn trưởng, những cán bộ cơ sở nhiệt tình, hăng hái, tâm huyết, trách nhiệm, được Đảng tin, dân mến.
Trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các thương binh, bệnh binh, các gia đình thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng, đã vượt qua khó khăn, ốm đau bệnh tật để vươn lên phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ….
Mô hình chăn nuôi lợn của ông Trần Nghệ Tĩnh - Thương binh 3/4 ở xã Cẩm Thăng tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động
Đó là những tấm gương như cựu chiến binh Trần Nghệ Tĩnh, thương binh 3/4, ở xã Cẩm Thăng SXKD đạt hiệu quả cao, lãi thu hàng năm đạt từ 4 đến 4,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng; hay như thương binh 4/4 Tôn Tiến Dũng – giám đốc công ty TNHH Thiên Ưng ở xã Cẩm Nhượng; thương binh ¾ Nguyễn Hùng Vỹ, ở xã Cẩm Thành gần 20 năm làm trưởng thôn, bí thư chi bộ luôn tận tuy, gương mẫu trong mọi hoạt động và đi đầu xây dựng vườn mẫu cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, là tấm gương sáng trong về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..
HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp Cẩm Vịnh
do chị Nguyễn Thị Văn - Thương binh 4/4 là giám đốc, thu hút 70 thành viên tham gia
Thương binh 4/4 Nguyễn Thị Văn, 15 năm với vai trò bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh, chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu trong công việc, hiện nay là giám đốc HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Vịnh, thu hút 70 thành viên tham gia với mức thu nhập khá cao. Chị đã vinh dự được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen; được vinh danh là 1 trong những phụ nữ tiêu biểu của toàn quốc và được Tỉnh ủy Hà Tĩnh vinh danh điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…Và hàng trăm mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm của các thương, bệnh binh ở khắp các xã, thị trấn.
Ông Lê Viết Ngân - Thương binh 4/4 ở xã Cẩm Thăng đã tự nguyện hiến 130m2 đất
cho thôn mở rộng khôn viên nhà văn hóa thôn đảm bảo tiêu chí NTM
Với tinh thần tinh phong gương mẫu, trong phong trào hiến đất, hiến công, hiến của để mở rộng đường giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng; hàng ngàn CCB, thương, bệnh binh đã tình nguyện hiến ngàn ngàn mr đất, hàng trăm công trình để mở rộng hệ thống giao thông theo tiêu chí NTM, tiêu chí đô thị văn minh, tiêu biểu như thương binh 4/4 Lê Văn Ngân, ở xã Cẩm Huy đã tự nguyện hiến 130m2 đất để mở rộng khuôn viên, xây dựng hội quán thôn đảm bảo tiêu chí NTM; thương binh ¼ Nguyễn Văn Bình ở xã Cẩm Duệ đã hiến hàng chục m2 đất để mở rộng đường giao thông…
Không chỉ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, mà nhiều thương binh, bệnh binh là những tấm gương hết lòng vì đồng đội và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đó là tấm gương đại tá Nguyễn Đình Lộc, thương binh hạng 2/4 ở Thị trấn Cẩm Xuyên. Gần 2.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam mà ông tiếp xúc là những hoàn cảnh, nỗi đau trông thấy. Và rồi nghĩa cử cao đẹp của người lính già đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Không chỉ huy động được kinh phí xây 16 ngôi nhà, mà ông Lộc còn kêu gọi được các tổ chức trong và ngoài nước về huyện Cẩm Xuyên phẫu thuật, chữa trị cho nhiều nạn nhân bị di chứng nặng nề của chất độc da cam. Song có lẽ ý nghĩa hơn cả là sự xuất hiện của Trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng dạy nghề, dạy chữ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật. Ở đó, đồng chí, đồng đội của ông, các em nhỏ bị chất độc da cam được hòa nhập cộng đồng, được học nghề, học chữ. Nhưng với ông Nguyễn Đình Lộc, đó chưa phải là điểm cuối của cuộc hành trình vì đồng chí đồng đội, vì nạn nhân chất độc da cam.
Ông Nguyễn Đình Lộc - Thương binh 2/4 ở Thị trấn Cẩm Xuyên
đã đi đến hơn 2000 gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam để giúp họ làm các chế độ chính sách
đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm với số tiền hơn 6 tỷ đồng để làm nhà, tặng quà,
dạy nghề, dạy chử cho nạn nhân chất độc hóa học
Những tấm gương cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công kể trên chỉ là những tấm gương sáng tiêu biểu trên toàn huyện đã và đang hàng ngày, hàng giờ có nhiều đóng góp quan trọng trong các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh và đẩy mạnh các hoạt động xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Những đóng góp của các CCB, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với các mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương đất nước hôm nay thật sự rất đáng trân trọng và tự hào. Đây cũng chính là những tấm gương sáng có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí, nghị lực vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Huyện Cẩm Xuyên gặp mặt biểu dương người có công tiêu tiểu
Tại buổi gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu, đồng chí Phạm Đăng Nhật - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà hết sức trân trọng và cảm động trước những cố gắng vượt bậc của đông đảo các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt liệt sỹ và người có công với nước trên địa bàn huyện nhà. Đã vượt lên khó khăn, đau thương, mất mát, tận tâm, tận lực cống hiến phần sức lực còn lại để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và quê hương, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Nhiều đồng chí đã nổ lực hăng hái tham gia lao động sản xuất và xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh; thi đua sản xuất giỏi, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đã trở thành những tấm gương tiêu biểu và mẫu mực cho mọi người học tập noi theo…”.
Hồng Phượng – Hoài Thương - Ngọc Long