Đền thờ Lê Phúc Nhạc nằm trên đồi Phượng Hoàng thuộc thôn Quang Trung I - Xã Cẩm Lạc.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia có mẹ con người đàn bà nghèo khổ, góa bụa từ nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp. Bà sinh sống bằng nghề bán nước chè ngoài chợ để kiếm kế mưu sinh, nuôi con ăn học. Tuy nghèo nhưng cậu bé Nhạc được trời phú tính thông minh lại rất ham học học một biết mười, chẳng bao lâu nổi tiếng
khắp vùng. Năm Đinh sưu dưới Thời Lê Thế Tông niên hiệu Gia Thái thứ năm (1577) tổ chức kỳ thi chế khoa, Lê Phúc Nhạc lên đường ra kinh ứng thí. Kỳ thi năm đó Lê Phúc Nhạc mới 25 tuổi, đỗ nhất Giáp. Sau làm quan đến chức Hữu thị lang bộ lễ, tước hầu, lúc ông mất được phong Phúc thần.
Tin báo về làng theo thông lệ những người đỗ đạt cao được triều đình phong chức tước, ngày “Vinh quy bái tổ” được dân làng tổ chức đón rước rất long trọng. Nhưng với Lê Phúc Nhạc, mặc dù đỗ đạt cao nhưng khi vinh quy về làng không được nhân dân đón tiếp nên Lê Phúc Nhạc rất giận và đã ném một hòn đá xuống sông chợ biền mà nguyền rằng: “ Lúc nào hòn đá nổi lên mặt nước thì dư lạc mới có người đỗ đạt”.
Lời nguyền như linh ứng kể từ đó mặc dù người dân Dư Lạc học hành rất thông minh nhưng không có người đỗ đạt cao.
Tương truyền, lúc bấy giờ xã Dư Lạc có nho sinh tên Vỗ Hữu Định nổi tiếng hay chữ, ông rất thông minh, học hành chăm chỉ nhưng rất nhiều lần ứng thi vẫn không đậu đạt gì. Nghĩ đến lời nguyền ông đã đứng ra cho xây dựng đền thờ vị danh thần Lê Phúc Nhạc với một mong muốn xin chuộc lại lỗi lầm xưa của dân làng, đồng thời cầu mong lời nguyền được xóa bỏ. Quả nhiên từ đó Dư Lạc có người đỗ đạt.
Hiện nay hằng năm, mặc dù không rõ ông mất năm nào nhưng hằng năm con cháu trong dòng tộc họ Lê và nhân dân địa phương vẫn tổ chức giỗ ông vào ngày 22/4 âm lịch. Riêng ngày rằm và mồng một nhân dân vẫn thường đến thắp hương cầu nguyện và tưởng nhớ tới vị danh nhân Lê Phúc Nhạc.
Giá trị văn hóa lịch sử: Đền thờ nhằm giáo dục hậu duệ con cháu dòng họ lê biết phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, luôn đi tiên phong trong học hành, thi cử. Giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước đối với các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Năm 2009, nhà thờ Lê Phúc Nhạc đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.