Trong dòng chảy văn hóa Xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là mạch nguồn dồi dào và bất tận. Mạch nguồn ấy hình thành từ núi sông, ruộng đồng, bờ bãi, từ lịch sử ngàn năm của vùng đất phên dậu và sâu bền nhất chính là từ tâm hồn của người dân lao động Xứ Nghệ. Ví, giặm là biểu hiện đậm đà của bản sắc Xứ Nghệ. Từ đời sống lao động, loại hình diễn xướng dân gian ví và giặm đã trở thành di sản của nhân loại. Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa ví, giặm là trọng trách lớn lao của cả thế giới, đặc biệt là cộng đồng người Nghệ Tĩnh.
Trong dòng chảy văn hóa Xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là mạch nguồn dồi dào và bất tận. Mạch nguồn ấy hình thành từ núi sông, ruộng đồng, bờ bãi, từ lịch sử ngàn năm của vùng đất phên dậu và sâu bền nhất chính là từ tâm hồn của người dân lao động Xứ Nghệ. Ví, giặm là biểu hiện đậm đà của bản sắc Xứ Nghệ. Từ đời sống lao động, loại hình diễn xướng dân gian ví và giặm đã trở thành di sản của nhân loại. Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa ví, giặm là trọng trách lớn lao của cả thế giới, đặc biệt là cộng đồng người Nghệ Tĩnh.
Xứ Nghệ địa linh nhân kiệt
Theo các nhà nghiên cứu, Xứ Nghệ xưa, nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là một vùng đất cổ. Xứ này địa hình dốc từ Tây sang Đông, nhiều sông với lưu vực rộng lớn như sông Cả (sông Lam), sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Rào Cái... Dãy Trường Sơn như mái nhà che chắn ở phía Tây, đoạn cuối đâm ngang ra biển, tạo nên cảnh núi sông hùng vĩ nhưng cũng vì thế mà hung dữ vào mùa mưa lũ, khiến mùa màng mất trắng. Mùa hè, gió từ Lào quạt khô đồng bãi, mùa mưa mưa thâm cả bùn non (*).
|
Tiết mục “Đối đáp trên sông” do Câu lạc bộ dân ca Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) thể hiện
|
Đây cũng là vùng đất biên viễn trong một thời kỳ dài của lịch sử, thường xuyên phải đối mặt với giặc dã, binh đao. Những yếu tố địa lý, lịch sử trên đã tôi rèn nên phẩm chất can trường, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, truyền thống hiếu học của người dân nơi đây. Trong cuốn “Le vieux An - Tĩnh” (An Tĩnh cổ lục), nhà sử học người Pháp Le Breton đã viết về vùng đất Xứ Nghệ: An - Tĩnh là quê hương của nhiều triều vua. Đất này đã sản sinh ra những vị đế vương, những loạn thần, những võ tướng và những thi nhân...
Đất An - Tĩnh là quê hương của những bậc đại nho ở An Nam lừng danh một thời. Từ Vua đen họ Mai (Mai Hắc Đế), Nguyễn Xí, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phan Bội Châu… đến Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn... là sự tiếp nối của dòng chảy văn hóa Xứ Nghệ. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là sự kết tinh, tỏa sáng những tinh hoa của người Nghệ, văn hóa Xứ Nghệ, văn hóa Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và trong cả tương lai.
Ngày xưa, trên vùng đất rộng lớn này, nông, ngư là những nghề chủ yếu. Bên cạnh đó là nghề tiểu thủ công nghiệp (làm nón, dệt vải, mộc, đóng thuyền, rèn...). Giao thông chủ yếu là bằng đường sông và đường bộ. Không gian rộng lớn đã giúp người lao động có điều kiện giao lưu, trao đổi, tâm tình với nhau, gắn kết cùng nhau. Và từ khi nào không biết, câu hát Ví, hát Giặm đã được cất lên, từ chỗ hát cho nhau, hát với nhau đã trao truyền cho con cháu thành một sinh hoạt văn nghệ dân gian từ đời này sang đời khác.
Ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ
Nói về hình thức diễn xướng dân gian, tất cả các xứ trong cả nước đều gắn với không gian của người lao động. Tuy nhiên, các đặc điểm địa văn hóa Xứ Nghệ và “chất Nghệ” đậm đặc không dễ đổi thay đã khiến người Nghệ từ những hành động phi thường đến cách ứng xử, lời ăn tiếng nói và lối diễn xướng đều không giống nơi nào. Người Nghệ, đất Nghệ, tiếng Nghệ trong đời sống văn hóa của dân tộc có một bản sắc riêng từ ngàn năm nay không thể trộn lẫn. Con người Nghệ chân thật đến quê mùa, can trường đến gan góc, tiết kiệm đến mức “cá gỗ”, thủy chung hết mực và có phần “gàn”, nhưng lại có một tâm hồn khoáng đạt và chất chứa tình yêu thiết tha, sâu đậm với thiên nhiên, con người. Tiếng Nghệ nặng mà ấm, nhiều thổ ngữ, “nghe buồn cười đáo để” (Phạm Tiến Duật) nhưng nghe quen rồi thì thấy yêu, thấy mến.
|
Tiết mục “Đối ca” lời cổ do đôi ca sỹ Quang Hưng và Thái Bảo biểu diễn
|
Lẽ thường, sống như thế nào thì khi hát lên cũng như vậy. Những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là tấm gương phản chiếu đời sống tâm hồn, tình cảm của người Xứ Nghệ và nó chỉ hay khi chính người Nghệ hát lên trong không gian của họ. Nhạc sĩ Lê Hàm từng viết: Nói tới hát ví là nói tới một loại dân ca mà làn điệu dân ca này chỉ thấy xuất hiện ở Nghệ Tĩnh, lưu truyền ở Nghệ Tĩnh. Đã được đi nhiều nơi, tôi cũng khẳng định: không ở đâu trên đất nước có kiểu hát như ở Nghệ Tĩnh. Nghe hát ví, giặm giao duyên, người ta biết ngay đó là lối hát, câu hát của người Nghệ. Có tắm mình trong ví, giặm mới thấy nó da diết, thâm trầm, lắng đọng, mê hoặc lòng người, gợi nhiều suy ngẫm về thế sự, đạo lý, về tình yêu chung thủy:
Anh ra đi đá mềm chân cứng
Em ở nhà hãy vững như đồng
Dù gió bấc mưa đông em xe tròn chiếu lại
Con thuyền đạo ngãi vững tay lái đồng tâm
Cho tình nghĩa ngàn năm trọn lời ước nguyện.
...
Ta yêu nhau bằng trời bằng biển
Anh xa em như bến xa thuyền
Dù bá ngã tùng nghiêng anh một lòng đợi bạn
Tình sâu nghĩa nặng dù đá nát vàng phai.
(Một lòng đợi bạn)
Ca từ và nhạc điệu cất lên đều từ nội tâm, có khi là mênh mang, dàn trải (ví đò đưa sông Lam, sông La, phường vải, phường nón), có khi lại đều đều theo lối kể chuyện và miêu tả (giặm vè, giặm kể, giặm xẩm). Để chuyển tải được mọi cung bậc của tình cảm, người hát đã linh hoạt sử dụng ca từ và điệu thức, lúc thì của ví, lúc thì của giặm. Từ yêu thương da diết chuyển sang giận dỗi, trách móc, nhịp điệu bài hát nhanh và gấp, đối đáp đầy vẻ quyết liệt để chuyển tải hết những nỗi niềm, tâm trạng. Nhịp điệu câu giặm (5 chữ, nhịp 3/2) và các thổ ngữ đầy biểu cảm đã phát huy tác dụng:
Trước (thì) mự nói mự thương
Cau dành để trên buồng
Trầu dành để ngoài nương
Chõng đục sẵn trong buồng
Tiền buộc chạc trong rương
Lợn ục ịch trong chuồng
…Dừ mự nói… mự nỏ thương
Cau long hạt trên buồng
Trầu rụng cuống ngoài nương
Chõng bỏ mốc trong buồng
Tiền đứt chạc trong rương
Lợn bỏ cám trong chuồng
Bạc tình chi rứa mự?
Chi bạc tình rứa mự?
(Thử lòng chung thủy)
Người Nghệ là vậy, đã yêu thương là một lòng chung thủy, đợi chờ muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay; đã hẹn thề là một lòng giữ trọn. Gian khổ không lùi bước, núi cao, sông sâu không nản lòng. Với người yêu thương còn vậy, với nước non và cách mạng lại càng son sắt, trung thành. Có lẽ giặm vè kể chuyện lịch sử là thể loại phản ánh rõ nhất tinh thần cách mạng của người dân Nghệ Tĩnh. Trong nhiều bài vè, cái khí chất can trường, dũng cảm, hiên ngang của người Nghệ thể hiện rất rõ:
Dân quân xã Thạch Hòa
Khẩu súng trường đem ra
Đứng thẳng giữa đất nhà
Nhằm thẳng trôốc ác quà
Bắn nhịp một nhịp ba
Bắn cho bò trượt, bò trà.
(Thần Sấm ngã)
Cũng chỉ trong ví, giặm Nghệ Tĩnh mới có nhiều từ ngữ địa phương độc đáo và lối đố - đáp, đối - đáp, ẩn dụ, ví von, chơi chữ, trào lộng rất phong phú, vừa bình dân, vừa bác học, giàu bản sắc của một vùng đất học, rất khác với ca từ và nhạc điệu của hát xoan (Phú Thọ), đờn ca tài tử (Nam Bộ), nhã nhạc cung đình (Huế). Ví, giặm là máu thịt, là sự sống và cũng chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn và tính cách của người Nghệ.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Cũng bởi cái hay, cái đẹp, cái độc đáo và dòng chảy muôn đời của ví, giặm Nghệ Tĩnh nên đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước khi thành di sản thế giới, ví, giặm đã có đời sống riêng của nó, không bị khuất lấp bởi bao biến cải thời gian, chiến tranh tao loạn. Đặc biệt là trong vũ bão của các loại hình âm nhạc, phong cách biểu diễn đương đại, ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn cứ ngời lên dáng vẻ và phong cách riêng. Tuy vậy, để hậu sinh có thể yêu ví, giặm, hát ví, giặm và trân trọng hồn cốt của cha ông, cần một chiến lược bảo tồn tổng thể, trong đó, quan trọng nhất là phải trả ví, giặm về cho các chủ nhân thực sự của nó - nhân dân lao động. Để họ có thể tiếp tục hát sau khi mùa màng thu hoạch, hát khi làm nón, dệt vải, khi hội hè, sinh hoạt gia đình, đoàn thể, cơ quan, xóm giềng...
|
Viên ngọc ví, giặm không thể cất giữ trong tủ kính để mọi người ngắm mà cần phải làm cho nó luôn được tỏa sáng trong cuộc sống thường nhật, để khi ai đó buồn, vui, sướng, khổ đều có thể tìm đến ví, giặm. Và những hạt nhân nòng cốt của việc bảo vệ, gìn giữ ví, giặm ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhạc sĩ, nghệ sĩ là đội ngũ nghệ nhân, cán bộ văn hóa và người dân đủ mọi lứa tuổi ở các miền quê. Làm gì và làm như thế nào để con cháu Xứ Nghệ hôm nay biết yêu, biết hát và mang câu hát quê hương đi khắp bốn phương trời, lấy ý tứ của người xưa để rèn đúc tinh thần trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương đẹp giàu và chính họ là những người bảo tồn viên ngọc quý ấy cho muôn đời sau? Trách nhiệm ấy thuộc về tất cả chúng ta!
Theo: Bùi Minh Huệ
Baohatinh.vn
________
(*) Lời bài hát "Nơi ấy quê mình" của nhạc sĩ Mạnh Chiến.