Cẩm Nhượng là một xã vùng biển nằm về phía Đông Nam của huyện Cẩm Xuyên, với diện tích 278 ha, dân số hơn 10.000 người. Là một vùng quê có bề dày truyền thống cách mạng và văn hóa, quá trình hình thành tên đất, tên làng, nơi đây đã xây dựng nên các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Cẩm Nhượng là một xã vùng biển nằm về phía Đông Nam của huyện Cẩm Xuyên, với diện tích 278 ha, dân số hơn 10.000 người. Là một vùng quê có bề dày truyền thống cách mạng và văn hóa, quá trình hình thành tên đất, tên làng, nơi đây đã xây dựng nên các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Hiện nay xã có 1 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 3 di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh và nhiều Đền, Chùa, Miếu khác. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống như: lễ hội Cầu ngư, hò chèo cạn, lễ Đại Nghĩa, lễ hội đánh cờ người truyền thống, lễ giỗ ông Nguyễn Văn Hiền, lễ giỗ bà Hoàng Càn, lễ mừng thọ cho các cụ cao niên.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cẩm Nhượng là trọng điểm của các Trận càn, các vụ Oanh kích của kẻ thù, người dân Cẩm Nhượng phải đi sơ tán đến các địa phương khác, sau hòa bình lập lại, do phải tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh, qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều di tích lịch sử văn hóa bị tàn phá, nhiều lễ hội truyền thống bị mai một.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 5 ( khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Nhượng đã quan tâm đầu tư phục dựng, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đặc biệt là các lễ hội truyền thống của địa phương đó là:
Lễ hội Cầu Ngư xã Cẩm Nhượng
Lễ hội Cầu ngư chèo cạn: Đây là lễ hội truyền thống của người dân miền biển, là một nét văn hóa Phi vật thể, lễ hội được tổ chức vào ngày 08/4 ÂL hàng năm, tại miếu Ông cá ( Miếu thờ Ngư ông); ý nghĩa của lễ hội là cúng đức Ngư ông, một loài cá Voi được nhân dân đi biển coi là thần linh ở biển khơi, luôn bảo vệ, che chở cho ngư dân khi gặp sóng to, gió lớn trên biển, đồng thời cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, cá tôm bội thu, với các nghi lễ; cúng Đức ngư ông, tổ chức diển xướng hò chèo cạn, rước kiệu Ngư ông trên biển.
Lễ giỗ bà Hoàng Càn: Người có công lập nên làng Nhượng bạn xưa và nay là Cẩm Nhượng, được nhân dân coi là Thành hoàng làng, lễ giỗ được tổ chức vào ngày 01/02 âl hàng năm tại Đền cả, cứ đến ngày giỗ, mỗi thôn trong xã đều có một mâm cổ dâng lên Thành hoàng, sau lễ giỗ, cán bộ và nhân dân quây quần bên mâm cổ tại sân Đền vui chén rượu tưởng nhớ về cội nguồn.
Lễ Đại Nghĩa của nhân dân thôn Liên Thành, được duy trì liên tục hàng trăm năm nay, được tổ chức vào ngày 16/01 ÂL hàng năm, tại nhà văn hóa thôn, đây là lễ giổ danh cho các vong linh những người đã mất không nơi nương tựa, không ai thờ cúng; trước lễ giỗ là thủ tục đắp mộ, nhân dân trong thôn tổ chức đắp mộ cho các ngôi mộ Vô chủ, không ai chăm sóc tại nghĩa địa, đây là một nét văn hoá mạnh ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tại buổi lễ 24 tổ liên gia trong thôn chia thành 7 đội, mỗi đội làm một bàn cổ với đầy đủ lễ vật để làm giỗ, sau lễ giỗ là các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, TDTT, và mở tiệc liên hoan đoàn kết, cả thôn tưng bừng như một ngày hội.
Và nhiều lễ hội truyền thống khác như lễ giỗ ông Nguyễn Văn Hiền vào ngày 01/6 âl, người Lý trưởng đã đứng ra chịu chém đầu để nhân dân cả làng không bị quan quân Triều đình “Làm cỏ”; Lễ hội đánh cờ người mừng Đảng, mừng xuân; Lễ mừng thọ cho các cụ cao niên trong làng vào ngày 02 tết nguyên đán hàng năm; Lễ hội chèo bơi ( đua chèo thuyền) ….
Lễ hội rước tàu cầu ngư, hướng ra biển đảo xã Cẩm Nhượng
Để phục dựng, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các lễ hội truyền thống của địa phương, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã bằng nhiều biện pháp từ việc sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa của các lễ hội, đầu tư sữa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các cở sở thờ tự như Đền, Chùa, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực của nhân dân vào việc phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, bằng nhiều giải pháp để phục dựng, bảo tồn và pháp huy giá trị các lễ hội, tuy vậy do điều kiện thời gian, kinh phí và một số yếu tố chủ quan, khách quan khác nên đến nay vẩn còn nhiều lễ hội truyền thống vẫn chưa được phục dựng, bảo tồn đó là: Lễ lục ngoạt; Lễ làm chay rước tướng, các trò chơi dân gian như: đánh Cờ đèn; đánh Cờ điếm; chơi Cầu kiều...
Mỗi một lễ hội truyền thống đều gắn với quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất Cẩm Nhượng và nét văn hóa Biển, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân nơi đây; phục dựng, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các lễ hội truyền thống của địa phương có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao lòng tự hào cho bao thế hệ con em Cẩm Nhượng, dù ở bất cứ nơi đâu vẩn luôn hướng về chung tay xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp. Với truyền thống của một làng quê văn hóa, trong thời gian tới, đảng bộ và nhân dân Cẩm Nhượng sẽ tiếp tục phục dựng, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị các lễ hội truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Tin, ảnh: Nguyễn Đình Hoàn
Phó Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Nhượng