Trải qua mấy ngàn năm cùng với dòng chảy chung của lịch sử dân tộc đã để lại trên mảnh đất Cẩm Xuyên nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên do sự phong hóa thời gian thì nhiều giá trị văn hóa đã bị mai một, không phát huy hiệu quả. Đứng trước thực trạng đó trong những năm qua huyện Cẩm Xuyên đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo đầu tư và huy động mọi nguồn lực đặc biệt đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong việc quản lý trùng tu, tôn tạo lại nhiều di sản lịch sử văn hóa và làm sống dậy nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân.
Trải qua mấy ngàn năm cùng với dòng chảy chung của lịch sử dân tộc đã để lại trên mảnh đất Cẩm Xuyên nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên do sự phong hóa thời gian thì nhiều giá trị văn hóa đã bị mai một, không phát huy hiệu quả. Đứng trước thực trạng đó trong những năm qua huyện Cẩm Xuyên đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo đầu tư và huy động mọi nguồn lực đặc biệt đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong việc quản lý trùng tu, tôn tạo lại nhiều di sản lịch sử văn hóa và làm sống dậy nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân.
Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên ở thôn 5, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên là ngôi đền có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Năm 1425 đền thờ được nhân dân lập để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài ba – Người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược nước ta vào những năm 20 của thế kỷ XV. Ông được vua Lê Lợi phong là Bình Ngô Thượng tướng quân. Ngôi đền lúc đầu đền thờ được lợp bằng mái tranh, đến năm 1894, Tổng Văn Tản khởi công xây dựng lại đền. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn: Thượng điện gồm 3 gian, trong điện thờ gồm bức hoành phi đề "Vạn cổ tồn” và nhiều câu đối. Tiếp đến tả vu và hữu vu có chạm long, li, quy, phượng. Nhà bái đường có 5 gian, vọng lâu gồm 3 cửa nay vẫn còn di tích. Với kiến trúc đặc biệt, có giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao, đền thờ Thượng tướng quân Nguyễn Biên được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2003. Tuy nhiên, trải qua mấy trăm năm tồn tại cùng với sự phong hóa của thời gian đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Xác định được việc bảo tồn di tích có ý nghĩa quan trọng, cấp ủy chính quyền và ngành chuyên môn huyện Cẩm Xuyên đã tích cực tham mưu cho Tỉnh đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo lại đền thờ cũng như công tác quản lý. Về phía địa phương đã tích cực kêu gọi sự đóng góp, tài trợ của con em sinh sống khắp mọi miền quê với số tiền trên một tỷ đồng. Với việc làm tốt công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, nâng cấp lại đền thờ đang được khôi phục lại xứng tầm với sự hy sinh và công lao to lớn của Tướng quân Nguyễn Biên, cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân.
Nhiều di tích văn hóa ở Cẩm Xuyên đang từng bước được đầu tư tôn tạo
Trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa vùng biển nổi tiếng một thời. Đặc biệt miền đất nơi đầu sóng ngọn gió này cũng là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như như Đền Cả, Miếu Đức Ngư Ông, chùa Yên Lạc, Miếu Văn Hiền và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như: hò chèo cạn, lễ hội cầu ngư, đua thuyền được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên cùng với thời gian và sự bào mòn của thiên nhiên nhiều hạng mục đã bị hư hỏng. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực huy động mọi nguồn lực đóng góp trong con em và ngư dân lên đến 8 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp và xây dựng lại một số hạng mục, phục dựng lại các lễ hội truyền thống. Qua đó góp phần gìn giữ bảo tồn các gía trị lịch sử văn hóa đồng thời kết hợp với thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch. Đây chính là nét nổi bật của Cẩm Nhượng. Du khách sau khi nghỉ mát tại bãi biển Thiên Cầm sẽ được đi tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Mảnh đất và con người Cửa Nhượng hôm nay bên cạnh nhịp sống khá vội vàng, hối hả và sôi động của ngư dân cũng đang sống dậy nhiều nét văn hóa truyền thống và nhiều phong tục tập quán rất riêng của ngư dân vùng biển.
Lễ hội cầu ngư xã Cẩm Nhượng một nét đẹp đặc sắc của văn hóa vùng biển
Cẩm Xuyên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nhiều vị tướng, nhiều anh hùng tài ba cũng là địa danh lưu giữ và hội tụ nhiều nét đặc sắc của văn hóa vùng miền xuôi, miền ngược, vùng đồng bằng, ven biển. Với trên 27 di tích trên địa bàn được công nhận, và có 4 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đó là khu lưu niệm Hà Huy Tập, Chùa Yên Lạc, Miếu Thượng Tướng Nguyễn Biên và Tháp Đá. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể huyện Cẩm Xuyên rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như hò vè, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, đặc biệt là khi dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để bảo tồn loại hình nghệ thuật này huyện Cẩm Xuyên rất chú trọng đến việc thành lập CLB, gia nhập thêm nhiều thành viên. Đến nay toàn huyện đã thành lập được 8 câu lạc bộ Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh ở các xã, thị trấn. Các CLB không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, mà còn truyền thụ tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ. Với không gian diễn xướng mang đậm chất liệu dân gian, trên những làn điệu, những lời ca ngọt ngào, các CLB góp phần gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này trên địa bàn.
Tái hiện không gian diển xướng dân ca của CLB dân ca xã Cẩm Mỹ
Trong những năm qua huyện Cẩm Xuyên đã giành nhiều quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các công trình kiến trúc, lập đề án đề nghị Tỉnh công nhận thêm nhiều di tích lịch sử văn hóa đồng thời huyện làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích. Đầu tư nâng cấp, khôi phục lại một số công trình với kinh phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó với lòng ngưỡng mộ, nhiều cá nhân hảo tâm đã đóng góp hàng chục triệu đồng và công sức để trùng tu, tôn tạo lại các di tích đền chùa, miếu mạo với tổng số tiền gần chục tỷ đồng. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc có ý nghĩa quan trọng đòi hòi sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng xã hội. Nhất là công tác quản lý đòi hỏi những con người có tâm huyết có trách nhiệm làm thể nào để các di sản văn hóa được phát huy hiệu quả tương xứng với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên có lẽ điều quan trọng hơn nữa đó chính là xây dựng con người văn hóa. Làm thế nào để giáo dục được nhiều thế hệ đều “hiểu biết sâu sắc, tự hào tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”. Đây chính là một trong những nhiệm vụ thể hiện trong quan điểm đường lối của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện .
Có thể thấy cuộc sống càng hiện đại thì nhu cầu được đến với các giá trị văn hóa tinh thần và tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân càng ngày càng lớn. Các gía trị lịch sử văn hóa truyền thống nó song hành, trường tồn cùng sự phát triển của kinh tế- xã hội và góp phần làm phong phú cho đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử văn hóa cũng như các giá trị truyền thống của dân tộc cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, niềm tôn kính đối với dân tộc.
Kèm Video: Cẩm Xuyên chú trọng giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống
Hồng Phượng- Hoài Thương- Ngọc Long