Câu trả lời đanh thép của Tổng Bí thư Hà Huy Tập trước toà án binh Sài Gòn: “Tôi chưa có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”, như một sự khẳng định ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt của bản thân vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam
Câu trả lời đanh thép của Tổng Bí thư Hà Huy Tập trước toà án binh Sài Gòn: “Tôi chưa có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”, như một sự khẳng định ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt của bản thân vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 tại làng Kim Nặc, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, Hà Huy Tập đã sớm bộc lộ sự hiếu học. Năm 1919, Hà Huy Tập đã học xong bậc tiểu học. Sau 5 năm miệt mài đèn sách, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp hạng ưu trường Quốc học Huế.
Vì hoàn cảnh nghèo không thể tiếp tục học lên bậc cao, Hà Huy Tập xin làm giáo viên tiểu học ở thành phố Nha Trang.
Từ năm 1923 đến năm 1926, Hà Huy Tập dạy học ở Nha Trang. Đây là quãng thời gian Hà Huy Tập được chứng kiến cuộc sống hiện thực đầy bất công của chế độ thực dân phong kiến. Bằng nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng yêu nước Hà Huy Tập đã sớm bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng từ năm 1925.
Những năm hoạt động của Hà Huy Tập tại Nha Trang đã bị chính quyền thực dân theo dõi. Giữa năm 1926, Hà Huy Tập bị trục xuất khỏi Nha Trang, sau đó chuyển về thành phố Vinh dạy học ở trường tiểu học Cao Xuân Dục và tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt. Đây là một tổ chức bí mật của những người yêu nước được thành lập ở Vinh, sau đó đổi thành Hội Hưng Nam để che mắt kẻ thù.
Nhận thấy sự nguy hiểm của Hội Hưng Nam và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân phong kiến ở Nghệ An đã sa thải Hà Huy Tập.
Tháng 3-1927, Hà Huy Tập chuyển vào hoạt động Sài Gòn và xin dạy học ở trường tư thục An Nam học đường để vừa che mắt địch, vừa kiếm sống và hoạt động cách mạng. Tại Sài Gòn, Hà Huy Tập tham gia thành lập một số chi hội địa phương của Hôi Hưng Nam tại miền Nam; tổ chức huấn luyện chính trị; bãi khóa chống chính quyền thực dân phong kiến.
Tháng 1-1928, Hà Huy Tập bị sa thải khỏi trường An Nam học đường vì lý do kích động học sinh bãi khóa đấu tranh.
Cuối năm 1928, Hà Huy Tập được Kỳ bộ Nam kỳ Đảng Tân Việt cử đi Trung Quốc là đại diện cho Đảng Tân Việt thương lượng với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên để hợp nhất hai tổ chức. Sau một thời gian làm việc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tháng 6-1929, Hà Huy Tập được cử đi học tại trường Đại học Phương Đông.
Đại hội I của Đảng năm 1935, Hà Huy Tập được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Ban Thương vụ, được cử làm thư ký của Đảng. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng vào ngày 26-7-1936, Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng bí thư của Đảng.
Tháng 11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt và khép vào tội "lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ" và bị tòa án thực dân Nam Kỳ tuyên án tử hình. Ngày 28-8-1941 Hà Huy Tập bị xử bắn ở Hóc Môn (Gia Định).