Đậu Bá Nghinh tức tú Ngông, một nhà thơ trào phúng danh tiếng của giới Văn-thân, tài ba không kém tú Xương nhưng chỉ vì quá sùng bản và bất công đối với các hệ ý thức khác Nho giáo mà ông ít được truyền tụng, trừ bài Chúc thọ vua Tự Đức viết theo thể hát giặm được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân nhờ tính sòng phẳng của nội dung và tính phong phú đa dạng của hình thức.
Đậu Bá Nghinh tức tú Ngông, một nhà thơ trào phúng danh tiếng của giới Văn-thân, tài ba không kém tú Xương nhưng chỉ vì quá sùng bản và bất công đối với các hệ ý thức khác Nho giáo mà ông ít được truyền tụng, trừ bài Chúc thọ vua Tự Đức viết theo thể hát giặm được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân nhờ tính sòng phẳng của nội dung và tính phong phú đa dạng của hình thức.
Tác phẩm này được viết năm 1878, nhân dịp vua Tự Đức tổ chức lễ ngũ tuần đại khánh, mùa xuân năm Quí-dậu. Có lẽ bài chúc thọ này không được gửi đến để mừng thọ nhà vua, nhưng nếu có nhận được, chắc vua Tự Đức cũng không giận, như tác giả đã rào đón, trước cái trò "dân dại dân ngu, gửi lời chúc thọ thiên thu" (cc 84-86).
Lời chúc thọ của tú Ngông dâng lên vua Tự Đức thực chất chỉ là những lời nói móc họng, nhưng cũng nhờ đó mà ta được biết thái độ chính trị của nhóm Văn-thân đối với chính sách cai trị và ngoại giao của nhà vua. Hiển nhiên là Văn-thân đứng vào phe chống đối, nhưng đó chỉ là một thái độ chống đối tiêu cực rất tai hại cho tiền đồ của nước nhà. Đã không đồng ý với chính trị của nhà vua, tại sao Văn-thân không phân tích cho nhà vua thấy tình hình của đất nước trước cục diện thế giới như những ông Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đình, Phan Liêm, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Tư Giản, Vũ Phạm Khải, Trần Bích San đã làm, mà chỉ viết lách lung tung và ăn nói xỏ xiên. Như thế chỉ làm cho tình hình xã hội bi thảm hơn chứ có giúp được gì cho nhà vua! Nếu không trước tác được đàng hoàng thì ít nhất cũng nên bắt chước ông Hoàng Tam- đăng tập hợp học sinh và đồng bào thành đội ngũ trực diện với quân xâm lăng, hay theo gương của các anh hùng Cần-vương sau này nhất loạt nổi dậy để đánh đuổi thực dân Pháp.
Trong bài chúc thọ, tôi lưu ý đặc biệt đến 3 câu 47, 48, 49:
Rồi cụ xứ nhà thầy,
Thôi nhà chung đi cả.
Thôi đạo đường đi cả.
Nghĩa là, nói một cách khác, nhóm Văn-thân chỉ mơ ước có một chuyện duy nhất là làm sao cho bọn Công giáo chết hết đi thì họ mới ăn ngon ngủ yên được! Và may ra họ mới để tâm vào vấn đề giải quyết những bài toán mà thời cuộc đặt ra cho họ. Vào năm 1878 này, Nguyễn Trường Tộ đã chết được 7 năm, Vũ Phạm Khải 6 năm, Trần Bích San 1 năm.v.v.. mà không thấy có một Văn-thân nào thay thế vào những chỗ trống ấy. Thế mới biết Văn-thân chỉ là một nhóm phá hoại chứ không phải là một tổ chức có chương trình xây dựng đất nước có qui mô. Ta cũng nên biết rằng vào năm 1866, chính vua Tự Đức đã theo lời đề nghị của tam nguyên Vị-xuyên sử dụng một nhân tài kiệt xuất của đất nước thời đó là Nguyễn Trường Tộ. Sau khi Pháp đại bại năm 1870 trước sự tấn công của Đức đúng như lời tiên đoán của Nguyễn Trường Tộ thì vua Tự Đức bắt đầu suy nghĩ về thực lực và kinh tế của Pháp, rồi khi họ Nguyễn qua đời, nhà vua bắt đầu tự xây dựng cho mình một chính sách riêng đối với sự đe dọa của Pháp. Từ năm 1877 trở đi, nhà vua đã biết nặng lời quở trách các quan về sự thiển cận của trí tuệ họ trước những vấn đề thời cuộc. Nhà vua bắt đầu lãnh đạo triều đình trong nỗ lực chống lại áp lực xâm lăng của Pháp. Nhà vua thỉnh cầu các quan phải là những Gia- cát Khổng-minh thì mới phân tích đúng tình hình và mới tìm ra được những biện pháp thích đáng để đương đầu với kẻ thù. Đến năm 1878 mà Văn-thân còn mỉa mai trách khéo nhà vua đã bất lực không giải quyết được những vấn đề của thời đại thì sự thực, so sánh với nhà vua, các ông Văn-thân còn thua nhà vua rất xa về sự bén nhậy trước tình hình chính trị, mặc dầu vua Tự Đức cũng không phải là một nhà chính trị tài ba gì.