Vượt lên từ những mùa vụ thất bại, nhanh nhạy trong việc chuyển đổi nghành nghề ông Trần Mạnh Duyên, sinh năm 1959, quê xã Cẩm Lĩnh – huyện Cẩm Xuyên đã thành công từ nghề nuôi ốc hương, mở ra một hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Vượt lên từ những mùa vụ thất bại, nhanh nhạy trong việc chuyển đổi nghành nghề ông Trần Mạnh Duyên, sinh năm 1959, quê xã Cẩm Lĩnh – huyện Cẩm Xuyên đã thành công từ nghề nuôi ốc hương, mở ra một hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Về vùng đất Cồn Vạn xã Cẩm Lĩnh, khi mà những người công nhân của HTX nuôi trồng thủy hải sản Cẩm Lĩnh đang hối hả kéo những thùng ốc hương năng trĩu lên bờ để phân loại xuất khẩu. Vẻ mặt ai cũng rạng ngời với thành quả của mấy tháng trời miệt mài lao động. Tiếp chuyện với chùng tôi chủ nhiệm HTX Trần Mạnh Duyên cho biết, trước đây trên vùng đất Cồn Vạn xã Cẩm Lĩnh chủ yếu là nuôi Tôm. Trong đó công ty Hoàng Thạch có tới 20 ha, riêng ông Duyên đấu thầu 4 ha tại để nuôi tôm. Cái nghề nuôi tôm lắm khi cũng “bạc” như con tôm, có vụ bội thu cũng có khi mất trắng. Được mấy vụ có thu hoạch thì đỉnh điểm trong 3 năm từ 2013, 2014 và 2015 ông đều thất bại liên tiếp, thiệt hại kinh tế gần 4 tỷ đồng. Vào thời điểm năm 2015 cũng là lúc ông Duyên mới thành lập HTX. Nhìn xã viên hoang mang, bản thân ông là người chủ nhiệm HTX cũng cảm thấy có một phần trách nhiệm. Cả một vùng đất hơn 20 ha bị bỏ hoang nhiều năm. Xót xa vì bản thân có sức, có quyết tâm, có đất đai mà xã viên lại ngồi không không có việc làm. Ông Duyên quyết tâm tìm hiểu để chuyển đổi nghành nghề mới giúp xã viên HTX của mình. Chia sẽ với chúng tôi ông Duyên nói: “ Nhìn hàng chục ha đất để hoang để trắng, tôi xót xa lắm, nên với tâm nguyện không để đất lãng quên trong sự đói nghèo, nên tôi tìm tòi vào Nha Trang để tìm nghề mới về làm”.
Thu hoạch ốc Hương ở xã Cẩm Lĩnh
Nói là làm, qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Duyên lên đường vào Nha Trang học nghề nuôi ốc Hương. Ông xin vào làm công nhân cho các cơ sở nuôi ốc hương tại đây. Vừa làm vừa tìm hiểu nghề nuôi, cách nuôi, độ mặn của thổ nhưỡng để so sánh với vùng đất của mình. Sau 3 tháng học nghề, cuối tháng 3 năm 2016 ông về lại vùng đất Cồn Vạn và tiến hành cải tạo các ao nuôi. Bước đầu làm thử nghiệm ông thả hơn 2,4 triệu con giống ốc hương trên diện tích 1 ha. Sau 4 tháng, ốc hương phát triển tốt và cho thu hoạch gần 15 tấn với thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đang hối hả phân loại ốc hương nhưng xã viên Trần Mạnh Quang vẫn vui vẻ trò chuyện: Nhờ sự mạnh dạn của Bác Duyên mà vùng đất Cồn Vạn trước đây cằn cỗi, tưởng chừng như phải bỏ hoang thì nay đã được sống lại. Nghề nuôi ốc hương cũng cho thu nhập khá, lương công nhân lao động từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Các xã viên HTX nuôi trồng thủy hải sản Cẩm Lĩnh sơ tuyển ốc Hương
Nghề nuôi ốc hương là một nghề mới không chỉ trên địa bàn Hà Tĩnh mà cả khu vực Bắc miền trung. Với kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ quản lý, chăm sóc, giá trị sản phẩm cao và dễ tiêu thụ. Bước đầu vào nuôi ốc hương đã đưa lại những tín hiệu đáng mừng cho không chỉ ông Duyên mà cả với các xã viên của HTX chăn nuôi Cẩm Lĩnh. Bà Nguyễn Thị Năm – Công ty thu mua hải sản Nha Trang – Khánh Hòa tiếp chuyện: Nghề nuôi ốc hương ở vùng Nha Trang – Khánh Hòa thì nuôi nhiều nhưng ở Hà Tĩnh thì mới chỉ có Cẩm Lĩnh. Ốc hương rất được giá và nhiều khách hàng ưu chuộng. Công ty thu mua không chỉ bán ở trong nước mà con xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác.
Từ sự mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề của chủ nhiệm HTX Trần Mạnh Duyên đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nơi đây. Ông Trần Đình Lam – chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết : “ Đây là nghề mới được đánh giá cao, đối với trách nhiệm của UBND xã cũng đang tạo rất nhiều điều kiện cho người dân từ các cơ chế chính sách. Bên cạnh đó xã Cẩm Lĩnh cũng đang có hướng nhân rộng mô hình nhằm giúp người dân trong việc nâng cao đời sống kinh tế.”
Với nghị lực và tinh thần trách nhiệm của người chủ nhiệm HTX Trần Mạnh Duyên, Vùng đất Cồn Vạn khô cằn tưởng như phải bị bỏ hoang trước đây lại quay trở về tràn đầy sức sống mới; hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho người nông dân với nghề nuôi ốc Hương.
Đình Tuấn