Đất chật, người đông; người dân sống bằng nghề biển là chính nhưng ngư trường ngày càng cạn kiệt... Đối mặt với không ít khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vẫn giữ vững “tay chèo” nhờ sự thống nhất, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, lấy kinh tế biển làm trục xoay cho sự phát triển.

Đất chật, người đông; người dân sống bằng nghề biển là chính nhưng ngư trường ngày càng cạn kiệt... Đối mặt với không ít khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vẫn giữ vững “tay chèo” nhờ sự thống nhất, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, lấy kinh tế biển làm trục xoay cho sự phát triển.

 


Bình minh trên chợ cá Cẩm Nhượng. Ảnh: Hương Thành

 

Với người dân Cẩm Nhượng, biển không chỉ “cho cá, cho tôm” mà đã trở thành một phần máu thịt. Đôi tay thoăn thoắt thắt nút lưới này đến nút khác, rồi lại gắn từng chiếc phao nhỏ vào lưới, ngư dân Phạm Thế Sơn tâm sự: “Bọn tôi không đi biển là nhớ lắm. Những hôm biển động, không đi được cũng phải ra ngó nghiêng một lúc. Trước đây, đánh bắt gần bờ nhưng nay phải vươn khơi xa nên đòi hỏi phải có tàu lớn. Tôi vừa chuyển giao con (tàu) 250 mã lực để “tậu” con 450-500 mã lực… Tôi cũng đã đi nhiều nơi, chuyển đổi nghề nhiều lần và nhận thấy, nếu mình biết tìm tòi và đầu tư cho nghề biển thì không thua gì các nghề khác. Tôi chính là người đã mở màn cho những chuyến khai thác xa bờ”...

Đàn ông bám biển khai thác, đàn bà thì buôn bán, chế biến hải sản. Kinh tế biển được xem là trục xoay quay quanh mọi hoạt động của người dân Cẩm Nhượng. Chị Hoàng Thị Lịch - Bí thư Chi bộ thôn Lâm Hoãn cho biết: “Ở đây, kinh tế biển luôn được đặt lên hàng đầu. Để người dân có điều kiện vươn khơi sản xuất, chi bộ giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể, tư vấn, hỗ trợ và đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận người dân. Nhờ đó, thôn Lâm Hoãn có nhiều tàu công suất lớn nhất xã”.

Ngoài vai trò là bí thư chi bộ, chị Lịch cũng như bao người dân vùng khác, luôn yêu biển và biết làm kinh tế từ biển. Không ra biển khai thác được như đàn ông, chị lại tổ chức thu mua hải sản tại nhà để chế biến nước mắm và xuất khẩu cua, ghẹ, mực, cá. Chị còn là Chủ nhiệm HTX Cửa Nhượng với 13 thành viên, trong đó, có 10 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, hải sản.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng chia sẻ: Tiềm năng lớn nhất của Cẩm Nhượng là biển. Do vậy, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, BCH Đảng ủy xác định lấy kinh tế biển làm trọng tâm, bởi có khai thác được hải sản mới có thể phát triển các nghề thương mại, dịch vụ khác, tạo việc làm, thu nhập cho người dân...

Trong nhiệm kỳ qua (2010-2015), BCH Đảng bộ xã Cẩm Nhượng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nghề cá; thành lập nghiệp đoàn nghề cá và các tổ hợp tác trên biển; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân phát triển chế biến hải sản và hậu cần nghề cá. HĐND xã đã ra nghị quyết phê duyệt đề án về phát triển nghề cá; kịp thời nắm bắt và phổ biến, hướng dẫn ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách của cấp trên và ban hành chính sách của địa phương nhằm khuyến khích việc đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn và đầu tư phát triển các nghề mới.

 


Chuốt lưới trước một chuyến ra khơi

 

Đến nay, tổng công suất máy đạt 8.200 CV, tăng 127% so với đầu nhiệm kỳ; phát triển thêm 9 phương tiện có công suất máy từ 60-90 CV và 7 phương tiện 100-360 CV. Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 3.400-3.600 tấn. Ngoài các nghề truyền thống như mành, câu khơi, lưới mực, bà con ngư dân còn có thêm một số nghề khai thác mới như: bóng mực lá, bóng ghẹ, kéo dạ… Khai thác phát triển, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá có cơ hội “ăn nên làm ra”. Toàn xã hiện có 108 cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến thủy sản như chế biến nước mắm, phơi sấy, đông lạnh… và 22 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo cho tàu thuyền khai thác sản xuất.

Cùng với phát triển kinh tế biển, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động trên địa bàn cũng phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 700 hộ kinh doanh; 7 công ty, 6 HTX; 12 nhà hàng, khách sạn; 8 hộ kinh doanh vận tải; 25 hộ làm cơ khí; 12 tổ xây dựng. Nhiều mô hình cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm; hàng trăm mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2014, toàn xã có 720-750 người đi xuất khẩu lao động. Đây là lực lượng có thu nhập cao và ổn định; nhiều gia đình nhờ đó đã thoát nghèo bền vững, trở nên khá giả.

Cẩm Nhượng đang bừng lên sức sống mới. Sức sống được đong đầy từ hương vị mặn mòi biển cả và thắm tươi màu cờ Tổ quốc. Chỉ tay về phía biển, về những con tàu phấp phới cờ Tổ quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Huyền cho biết: Sức mạnh của Cẩm Nhượng vẫn là biển, bởi vậy, BCH Đảng bộ xã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục lấy kinh tế biển làm trục xoay. Xã tăng cường vận động và có cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu thuyền, đa dạng hóa nghề đánh bắt, tạo mọi điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày; đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá…

Địa phương cũng sớm xây dựng cụm công nghiệp tập trung đã được quy hoạch bằng cách vận động các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ chủ động đầu tư trên mặt bằng được giao theo quy định để triển khai sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ thủy, hải sản; mở rộng quy mô và năng lực hoạt động của chợ đầu mối… tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2017.

 

Theo: Biện Nhung
Baohatinh.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 257.500
Trong năm: 153.740
Trong tháng: 53.061
Trong tuần: 16.306
Trong ngày: 291
Online: 9