Khi đất trời dịu dàng chuyển sắc vàng thu là bắt đầu mùa thu hoạch cam của người dân Cẩm Yên. Trải qua bao vất vả, sau một năm chăm bón từ lúc cây ra hoa kết quả, cho tới khi những quả cam chuyển sang màu vàng mọng cũng là thời điểm những người nông dân Cẩm Yên đón niềm vui mùa quả ngọt.
Khi đất trời dịu dàng chuyển sắc vàng thu là bắt đầu mùa thu hoạch cam của người dân Cẩm Yên. Trải qua bao vất vả, sau một năm chăm bón từ lúc cây ra hoa kết quả, cho tới khi những quả cam chuyển sang màu vàng mọng cũng là thời điểm những người nông dân Cẩm Yên đón niềm vui mùa quả ngọt.
Sau 30 năm chắt chiu từ tinh hoa của đất, từ những giọt mồ hôi mặn mòi, cần mẫn của người dân nơi đây, Cam Cẩm Yên đã tạo cho mình một thương hiệu, một chổ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng bởi nét đẹp và hương vị riêng của mình. Cam Cẩm Yên có đặc điểm quả vừa phải, màu vàng mọng, có vị ngọt của đường, vị the của cam chanh, hòa quyện tạo nên vị thơm ngọt ngào khó tả. Thưởng thức cam Cẩm Yên, chúng ta như cảm nhận được vị ngọt mát đậm đà, thắm tình quê hương được chắt chiu từ niềm đam mê sáng tạo, tính chịu thương chịu khó cần cù nhẫn nại của những người dân Cẩm Yên. Mỗi quả cam là một thành tựu trong tư duy của người dân làm vườn Cẩm Yên. Kết quả đó đã được công chúng khách hàng ghi nhận, giá trị cam Cẩm Yên được tính cao nhất trong bảng giá thị trường trong dịp tết Nguyên đán, có lúc lên tới 120 ngàn/kg.
Niềm vui mùa quả ngọt
Có được chỗ đứng này, phát triển được cây ăn quả nơi vùng sâu ngập úng Cẩm Yên quả thực không đơn giản; trước hết phải khẳng định đó chính là kết quả của sự chịu khó, lòng mê say tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm của chính những người nông dân nơi đây; bởi là loại cây ăn quả có múi, điều kiện chăm sóc để cây cam sinh trưởng và phát triển đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao. Cây không chịu úng, nếu chăm sóc không tốt thì cây mau lão hóa, nhưng nếu chăm sóc buộc cây phải ra hoa kết trái sớm thì hiệu quả số năm cho thu nhập cũng giảm nhanh. Trong khi thời tiết khí hậu ở vùng quê Cẩm Yên mưa nhiều làm cây cam ngập úng thối rễ, không giữ được quả, sâu bệnh phát sinh cây không phát triển được. Trong khi đó các hộ dân ở đây từ năm 2005 trở về trước chủ yêu lại trồng theo kinh nghiệm, vì vậy hiệu quả không cao, nhiều hộ dân đã phải thay thế bằng những cây trồng khác. Tuy vậy, giống cam Cẩm Yên vẫn luôn được lưu truyền và phát triển ở những hộ có tâm huyết .
Hiện nay Cẩm Yên có 150 hộ trồng cam
Năm 2005, kinh nghiệm của những hộ dân có tâm huyết với nghề trồng cam đã được tiếp sức bởi KHKT, khi Công ty giống cây trồng TW đã cùng với Hội làm vườn của Tỉnh tổ chức tập huấn đưa cây cam ghép công nghệ cao vào trên địa bàn Cẩm Yên nhằm nâng cao chất lượng cam. Nhiều đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ đã về giúp đỡ nhân dân, hướng dẫn cách chiết giống, chăm bón và bảo vệ quả cam không bị sâu bệnh phá hoại. Vì vậy, đến nay toàn xã Cẩm Yên có 150 hộ trồng cam, hộ ít nhất là 5 cây, hộ nhiều nhất là 100 cây. Đặc biệt hộ ông Hoàng Văn Mai ở thôn Yên Thành hiện nay là chủ nhiệm Hợp tác xã đa cây đa con đã trồng 300 cây cam trên diện tích khoảng 3000m2 bước đầu cho ra quả mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Cẩm Yên đã đăng ký xây dựng 15 vườn mẫu theo quy định từ 2000 m2 trở lên, trong đó có 13 vườn chủ yếu là trồng cam. Năm 2014, tổng giá trị thu nhập của Cẩm Yên là 93 tỷ đồng. Trong đó thu từ nông nghiệp là 55 tỷ đồng, tỷ lệ thu nhập từ làm vườn mà chủ yếu là cây cam chiếm 15% . Hộ gia đình có thu nhập cao nhất là ông Hoàng Văn Mai từ 100 – 120 triệu đồng trên năm, còn lại các hộ khác thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng trên năm.
Những tín hiệu vui từ mùa quả ngọt, những thành công của việc áp dụng KHKT vào sản xuất và với hương vị riêng của mình, chúng ta tin rằng, thương hiệu cam Cẩm Yên sẽ được chính thức ghi tên trong danh sách thương hiệu cây ăn quả của Hà Tĩnh, trở thành món quà quê đằm thắm nghĩa tình trong túi du khách thập phương.
Trần Thị Phú
Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Yên