Dáng Xuân đang len qua từng ngõ nhỏ ở các làng chài ven biển. Theo tục lệ làng biển, trong ngày 30 Tết, tàu thuyền nhất loạt neo bến. Sang năm mới, vào mùng hai, ngư dân cúng khai cửa và lại tiếp tục hành trình "theo đàn cá lội"...

Dáng Xuân đang len qua từng ngõ nhỏ ở các làng chài ven biển. Theo tục lệ làng biển, trong ngày 30 Tết, tàu thuyền nhất loạt neo bến. Sang năm mới, vào mùng hai, ngư dân cúng khai cửa và lại tiếp tục hành trình "theo đàn cá lội". Dù lăn lộn với những con sóng ngoài khơi xa nhưng vào dịp tết, không bao giờ ngư dân vùng biển quên việc cúng lễ miếu thờ Cá Ông và Thành hoàng làng.

Muôn nẻo đón tết

Đối với anh Nguyễn Huy Hoàng (xóm Lâm Hoãn – Cẩm Nhượng), một năm vất vả vật lộn với những con sóng cũng chỉ mong gia đình có một cái tết sung túc, sum vầy. Anh Hoàng chia sẻ: “Năm nay, nhờ chuyển đổi tàu từ công suất nhỏ sang tàu có công suất lớn, việc đánh bắt cũng thuận lợi hơn. Tàu lớn nên chúng tôi vững chí tiến khơi, nhờ đó mà bắt được nhiều cá có giá trị như: cá mú, cá thu, cá ngừ…”. Theo đề án hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu, hiện Cẩm Nhượng đã chuyển đổi được 7 tàu. Nhờ vậy mà năm nay, sản lượng đánh bắt của ngư dân cao hơn năm ngoái. Đến thời điểm này, sản lượng đánh bắt toàn xã đạt 3.600 tấn (năm 2011 là 3.200 tấn). Một năm “được mùa” nên chắc chắn rằng cái tết năm nay của ngư dân Cẩm Nhượng sẽ sung túc, đủ đầy hơn nhiều! Anh Nguyễn Sỹ Huyền – chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Nhận thấy chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi tàu từ công suất nhỏ sang tàu công suất lớn mang lại hiệu quả cao, chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi. Dự kiến năm 2013 sẽ chuyển đổi thêm 8 đến 10 tàu công suất lớn”. Cũng theo anh Huyền, từ khi chuyển đổi tàu công suất lớn, có nhiều hộ gia đình thu nhập lên tới 300 – 400 triệu đồng/năm, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động.

Lễ hội cầu ngư ở Cẩm Nhượng

   Theo tục lệ làng biển, trong ngày 30 Tết, tàu thuyền nhất loạt neo bến. Sang năm mới, vào mùng hai, ngư dân cúng khai cửa để lấy ngày ra khơi. Lễ vật cúng khai cửa thường là mâm xôi gà, mâm ngũ quả, rượu, bánh chưng. Cúng xong, lễ vật được thả trên biển. Sau đó, ngư dân trở về nhà ăn tết. Họ nghỉ tết độ một tuần rồi lại tiếp tục hành trình “theo đàn cá lội”.

   Khác với ngư dân Cẩm Nhượng, tết đến nhiều ngư dân ở Thạch Kim lại giăng buồm ra khơi bởi theo họ, những ngày đầu năm là những ngày thời tiết thuận lợi nhất, giá thành sản phẩm cũng cao hơn. Quan trọng hơn cả, họ hi vọng đầu năm mới sẽ mang về nhiều lộc biển. Nhiều ngư dân bảo ra khơi ngày Tết thường chỉ đánh bắt bằng ba phần ngày thường nhưng rất vui. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng rượu thịt, dưa hành... nhưng họ đón giao thừa nơi boong tàu giữa trùng khơi và không quên chúc nhau một năm mới no đủ. "Sáng mùng một mà gặp nhau trên biển thì còn gì bằng. Cập tàu vào, mời nhau ly rượu rồi tỏa đi đánh bắt" - ông Phan Bính, lão ngư kỳ cựu ở biển Cửa Sót háo hức.

Tín ngưỡng thờ thần và lễ hội mùa xuân

   Thói quen tâm linh của ngư dân miền biển là tín ngưỡng thờ thần, hầu hết là thờ phúc thần. Dù lăn lộn với những con sóng ngoài khơi xa nhưng vào dịp tết, không bao giờ họ quên việc đi lễ miếu thờ cá ông và đền thờ thành Hoàng làng. Cứ vào ngày 25 đến 28 âm lịch, ngư dân Thạch Kim lại đi cúng lễ tại đền Đông Phương – thờ vị thần cai quản, bảo vệ vùng đất nơi đây. Ra tết, ngư dân lại xuôi lạch (ở Cửa Sót – Thạch Kim) cúng lễ tại đền Lê Khôi, đền chúa Mậu, miếu thờ cá ông. Với ngư dân Thạch Kim nói riêng và người dân vùng biển Lộc Hà, Thạch Hà nói chung, Lê Khôi chính là vị thành Hoàng làng luôn phù hộ, che chở và đem lại cho nhân dân một niềm tin lớn lao về vị phục thần có công. Bởi vậy, không chỉ dịp lễ hội (mùng 1/5 âm lịch) mà vào dịp đầu xuân, người dân đều nô nức đi đền cầu bình an, tài lộc cho năm mới.

Nghi lễ rước ngư ông trên biển của lễ hội cầu ngư

   Còn với ngư dân Kỳ Ninh (Kỳ Anh) thìvị thần Hoàng làng của họ lại là Chế Thắng phu nhân – Nguyễn Thị Bích Châu. Ngư dân ở đây có tục cứ đến dịp tết nguyên đán là "Dâng bánh chưng thờ ngày tết" tại đền Bà Hải. Ngay từ đầu xuân, người dân quanh vùng đổ về nô nức trẩy hội Đền Bà Hải để được thắp nén hương thơm thỉnh cầu đắc tài, đắc lộc. Vào dịp lễ chính (tháng 2 âm lịch), dân làng chài nơi đây gác lại mọi tất bật lo toan để cùng hòa mình vào dòng người trẩy hội, tham gia các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đi cà kheo…

   Riêng với ngư dân vùng Nhượng Bạn, tết lại là dịp để họ thể hiện những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình. Mỗi khi tết đến xuân về, từ con em làm ăn xa quê cho đến ngư dân rong ruổi theo những con sóng hay tiểu thương buôn bán… đều trở về quần tụ bên bếp lửa trại. Hầu như năm nào, chính quyền xã Cẩm Nhượng cũng đều tổ chức đốt lửa trại, tổ chức phong trào văn nghệ vào thời khắc giao mùa. Ra tết, các hoạt động thể dục thể thao như: bóng chuyền, bóng đá… được phát động sôi nổi ở khắp các khu dân cư, từ Đoàn thanh niên cho đến Hội phụ nữ. Tết năm nay, Cẩm Nhượng dự kiến sẽ mở hội đánh cờ người – một hội vui đầu xuân mang tính đặc trưng của dân vùng biển. Hiện tại, các “con cờ” đang ra sức tập luyện để ngay sau tết nguyên đán sẽ khai hội. Ra giêng, Cẩm Nhượng cũng tổ chức lễ hội cầu ngư nhằm báo đáp công ơn của thần nam hải phù hộ cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, mọi người hạnh phúc.

   Những ngày cuối năm, không khí vẫn nhộn nhịp những chuyến tàu ra vào khơi. Tận dụng những ngày biển lặng, ngư dân lại tiếp tục chuỗi hành trình “theo đàn cá lội” để kiếm thêm thu nhập cho một cái tết sung túc hơn, no đủ hơn, để những ngày đầu xuân được thảnh thơi, sum vầy bên gia đình… Năm nay là một năm thắng lợi đối với ngư dân làng biển. Tin rằng, với khí thế mới, bà con ngư dân sẽ có thêm một năm thu nhập cao và sẽ có thêm một cái tết ấm áp, no đủ.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 256.069
Trong năm: 152.309
Trong tháng: 47.122
Trong tuần: 15.789
Trong ngày: 1.995
Online: 170