Môi trường (tiêu chí số 17) được xem là một trong những tiêu chí “hóc búa” nhất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với các xã đăng ký về đích 2014. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 2/19 xã hoàn thành tiêu chí này. Nếu không có cái nhìn thấu đáo và phương pháp thực hiện khả thi, đây sẽ là điểm “liệt” khiến nhiều địa phương “lỡ hẹn” với kế hoạch về đích vào cuối năm nay.
Môi trường (tiêu chí số 17) được xem là một trong những tiêu chí “hóc búa” nhất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với các xã đăng ký về đích 2014. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 2/19 xã hoàn thành tiêu chí này. Nếu không có cái nhìn thấu đáo và phương pháp thực hiện khả thi, đây sẽ là điểm “liệt” khiến nhiều địa phương “lỡ hẹn” với kế hoạch về đích vào cuối năm nay.
Bài 1: Phát triển sản xuất - quan điểm có, thực hiện khó!
Bài 2: “Căng mình” với bài toán huy động nguồn lực
Từ nguồn nước sạch
Khu vực xóm 5, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) vốn là nơi đứng chân của cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong chiến tranh, kho thuốc nhiều lần bị đánh phá nên khu vực này bị ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu. Vì vậy, hàng trăm hộ dân nơi đây luôn thấp thỏm lo âu với chất lượng nguồn nước. Theo đại đa số ý kiến người dân xóm 5, mặc dù điểm tồn lưu thuốc BVTV đang được các cơ quan chức năng giải quyết nhưng các hộ dân sống ở đây vẫn chưa yên tâm với nguồn nước đang sử dụng.
[Nhóm xã phấn đấu về đích NTM 2014 (bài 3): Vướng tiêu chí môi trường]
Mặc dù điểm tồn lưu thuốc BVTV tại khu vực xóm 5, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) đang được các cơ quan chức năng giải quyết nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa yên tâm với nguồn nước đang sử dụng.
Theo ông Hoàng Bá Từ, cán bộ chuyên trách nông thôn mới xã Cẩm Thăng, hiện nay, đa phần các hộ đang sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan và giếng đào. Để biết nguồn nước có hợp vệ sinh hay không thì phải chờ kết quả đánh giá của cơ quan chức năng. Thậm chí, khi chất lượng nguồn nước ngầm được đánh giá hợp vệ sinh thì Cẩm Thăng cũng khó hoàn thành tiêu chí môi trường, bởi tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia không có vì địa phương chưa xây dựng được công trình cấp nước tập trung.
Nằm trong địa bàn thành phố thì chuyện thụ hưởng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia lẽ ra là điều dĩ nhiên đối với các hộ dân ở xã Thạch Môn. Thế nhưng, đến nay, gần 1.000 hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng, nước mưa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Môn - Trần Tuấn Anh, đầu năm 2014, thành phố đã phê duyệt công trình xây dựng hệ thống đường ống cấp nước dài 9,9 km (nếu hoàn thành sẽ đáp ứng 1/3 nhu cầu nước sạch của xã. Tuy nhiên, vì nguồn vốn đối ứng khá lớn nên công trình vẫn chưa được xây dựng. Do vậy, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia đối với xã đăng ký về đích năm 2014 của TP Hà Tĩnh rất khó thực hiện.
Thiếu công trình cấp nước vệ sinh tập trung là nguyên nhân chính khiến các địa phương lúng túng trong việc hoàn thành chỉ số hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia. Theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương, giá trị xây dựng một công trình cấp nước tập trung không hề nhỏ, nếu không nằm trong diện được thụ hưởng các chương trình, dự án thì khó địa phương nào hoàn thành được tiêu chí này.
Đến nghĩa trang và rác thải
Trong tổng số 5 nghĩa trang trên địa bàn, theo quy hoạch, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) phải đóng cửa 1 nghĩa trang và di dời nghĩa trang Vùng Giữa vì nằm ngay cạnh trung tâm xã. Theo Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Yên Trần Thị Phú, từ trước đến nay, địa phương đã di dời 340/540 ngôi mộ tại nghĩa trang này lên các khu nghĩa trang đã được quy hoạch. Nếu không có sự cố xẩy ra thì cuối tháng 9/2014, địa phương sẽ hoàn tất việc di dời các ngôi mộ ở đây để xây dựng khu trung tâm thể thao xã. Trong quá trình di dời thì 2 dòng họ có người qua đời nên phải tạm dừng.
“Đây là việc liên quan đến vấn đề tâm linh nên cần có thời gian thay đổi nhận thức; quá trình thực hiện di dời, địa phương chưa có sự hỗ trợ nào đáng kể. Chúng tôi đang xây dựng phương án huy động nguồn lực, tiếp tục vận động người dân hoàn thành việc di dời các phần mộ đúng quy định” - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Yên cho biết thêm.
Quy hoạch, xây dựng và quản lý nghĩa trang là việc không thể không làm. Song, do liên quan đến yếu tố tâm linh nên các địa phương cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể, phương pháp triển khai nhuần nhuyễn, linh hoạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước đến nay, việc xây dựng, quản lý nghĩa trang chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên xẩy ra tình trạng thiếu quy hoạch, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và gây lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn đang ngại khó, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang đạt chuẩn.
Khi được hỏi về công tác quy hoạch, xây dựng nghĩa trang, lãnh đạo xã Thanh Lộc (Can Lộc) vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về số lượng nghĩa trang hiện có và sẽ quy hoạch đóng cửa. Theo lý giải, việc đóng cửa nghĩa trang không phải là chuyện một sớm, một chiều nên xã đang bàn phương án. Nghĩa là phương án vẫn đang nằm trên... giấy, chính quyền vẫn chưa tổ chức họp dân, công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân!?
Bên cạnh sự chậm trễ của một số địa phương trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, xây dựng nghĩa trang đạt chuẩn thì không ít địa phương vẫn chưa chú trọng đến công tác thu gom, xử lý rác thải. Nếu xã Đức Lạng (Đức Thọ) là do địa bàn rộng, các hộ tự xử lý được rác, thì xã Trường Sơn (Đức Thọ) lại là do thiếu nguồn lực xây dựng hệ thống mương thoát bẩn và điểm xử lý rác thải hợp vệ sinh nên chưa xóa bỏ được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư… Mỗi địa phương một lý do, tuy nhiên, “bội số chung” của thực trạng đó chính là những hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân và sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền.