Thực tiễn triển khai các tiêu chí cho thấy khối lượng công việc khổng lồ trong hàng loạt công trình hạ tầng KT-XH của một xã nông thôn mới (NTM). Công trình nào, hạng mục nào, tiêu chí nào cũng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi nhóm xã về đích 2014 có một khoảng cách khá xa về nền tảng so với tốp đầu về đích 2013, thì điều dễ hiểu là phần lớn các địa phương đều đang “căng mình” với bài toán cung - cầu trong huy động nguồn lực.

Thực tiễn triển khai các tiêu chí cho thấy khối lượng công việc khổng lồ trong hàng loạt công trình hạ tầng KT-XH của một xã nông thôn mới (NTM). Công trình nào, hạng mục nào, tiêu chí nào cũng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi nhóm xã về đích 2014 có một khoảng cách khá xa về nền tảng so với tốp đầu về đích 2013, thì điều dễ hiểu là phần lớn các địa phương đều đang “căng mình” với bài toán cung - cầu trong huy động nguồn lực.

>> Bài 1Phát triển sản xuất - quan điểm có, thực hiện khó!

Ngổn ngang công trường

Theo khảo sát của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tại 19 xã phấn đấu về đích năm 2014, đến cuối tháng 6, vẫn còn nhiều xã đạt kết quả thấp trong nhóm tiêu chí hạ tầng KT-XH (tỷ lệ đạt: cơ sở vật chất (CSVC) văn hóa 3/19 xã; trường học và giao thông 5/19 xã; nhà ở dân cư 2/19 xã). Nhìn vào bảng biểu thống kê chi tiết các hạng mục công trình còn thiếu trong từng tiêu chí, có thể thấy, đối với các địa phương phấn đấu về đích năm 2014, phía trước đang là một công trường lớn với những yêu cầu gấp rút về tiến độ.

“Căng mình” với bài toán huy động nguồn lực
Nhiều công trình ở Thanh Lộc (Can Lộc) chậm tiến độ do thiếu vốn.

Thanh Lộc (Can Lộc), địa phương được huyện quyết định chọn đặt mục tiêu về đích năm 2014 thay cho lộ trình cũ là 2015 đang có một khối lượng công việc quá lớn phải hoàn thành trong gần nửa năm còn lại. Xã có tới trên 15 km đường trục xã, trục thôn và trục chính nội đồng chưa đạt chuẩn; 2 trường học đang chờ nâng cấp hạ tầng với rất nhiều hạng mục; nhà ở dân cư có tới 10 hộ chưa đạt; trạm y tế chuẩn đang chờ… dự án.

Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Triển - Bí thư Đảng ủy xã thì tiêu chí khó nhất là trường THCS, sau khi sáp nhập với 2 xã khác đang đặt ra những yêu cầu khá lớn về CSVC. Theo tính toán, để có thể xây dựng bổ sung 11 phòng chức năng và nâng cấp, xây mới 6 phòng học, nhà hiệu bộ, cần đến 10 tỷ đồng. Mặc dù các hạng mục công trình này đã có chủ trương bố trí nguồn vốn nhưng đến nay đang phải nhờ vào nhà thầu để triển khai các bước đi về mặt thủ tục. Phải ít nhất giữa năm sau công trình mới có thể hoàn thành.

Thạch Bằng (Lộc Hà) có 8 tiêu chí chưa đạt bởi các công trình hạ tầng chưa hoàn thành đảm bảo yêu cầu. Thủy lợi, điện, trường học, CSVC văn hóa, chợ, nhà ở dân cư, trạm y tế xã... đều đang ngổn ngang. Trong đó, chợ NTM chỉ hoàn thành hồ sơ; trạm y tế đang chờ cả nhà điều trị lẫn hệ thống máy móc để được công nhận chuẩn. Không chỉ các xã thuộc tốp sau của nhóm về đích năm 2014, ngay những địa phương được đánh giá cao như Khánh Lộc (Can Lộc), Yên Hồ (Đức Thọ) cũng đang dày đặc các hạng mục công trình phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ như đường giao thông, trường học, CSVC văn hóa, nhà ở dân cư... Riêng xã Yên Hồ, theo tính toán, để hoàn thành các tiêu chí trong năm nay, cần nguồn kinh phí hơn 33,5 tỷ đồng. Số tiền này gắn liền với khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó, mùa mưa bão đã cận kề.

Căng mình tìm nguồn lực

Không thể chỉ nhìn vào nguồn phân bổ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bởi ở thời điểm này, nguồn ưu tiên phải chia cho 19 xã, bên cạnh đó là hơn 200 xã còn lại. Kể cả việc các huyện, thị, thành phố đều có giải pháp tập trung nguồn cho xã điểm thì tổng nguồn phân bổ cho mỗi địa phương đặt mục tiêu về đích năm 2014 chỉ mới đáp ứng được khoảng 40%. Trong khi đó, sau hơn 3 năm huy động, phần lớn các địa phương đều hết sức cân nhắc khi nhìn vào sức dân.

“Căng mình” với bài toán huy động nguồn lực
Thiếu vốn nên việc xây dựng các công trình ở Yên Hồ (Đức Thọ) phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tài chính của các nhà thầu.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc - Mai Khắc Tám cho biết, trong khối lượng công việc còn lại với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng, xã chỉ huy động người dân tiếp tục hiến đất để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường và xây tường rào ở khu dân cư mẫu với giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Lời giải chung cho bài toán nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí ở hầu hết các địa phương trong nhóm phấn đấu về đích năm 2014, đó là ký nợ với nhà thầu để đảm bảo tiến độ và chờ bán đất để thanh toán các công trình.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) - Trần Tuấn Anh, xã cần gần 60 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, CSVC văn hóa, trường học… Nếu tính cả nguồn hỗ trợ của thành phố và huy động sức dân, may ra được khoảng 20 tỷ đồng. Số còn lại đương nhiên phải nợ bên B (nhà thầu). Với vị trí thuận lợi của một địa phương ven đô, việc bán, cấp đất được xem là phương án khả thi cho huy động nguồn. Thế nhưng, cái khó nằm ở chỗ, theo quy định của thành phố, muốn đấu giá đất thì địa phương đó phải xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Nếu tính toán giữa chi xây dựng hạ tầng và thu từ bán đất với tỷ lệ xã 50%, tỉnh 50%, thì chẳng còn là bao, thậm chí lỗ.

“Như ở xóm Tiên Tiến, để xây dựng hạ tầng tại khu quy hoạch đất phải đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, với giá đất như hiện nay, nếu bán hết 54 lô sẽ thu về khoảng 8 tỷ đồng. Nếu chia 50/50% theo mức hưởng lợi thì địa phương chịu lỗ thêm 2 tỷ đồng” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Môn dẫn chứng.

Thạch Bằng khả quan hơn trong phép tính này bởi khu đất chuẩn bị đấu giá nằm ở trục đường lớn, đã được huyện đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, số tiền thu từ đất dự kiến 5 tỷ đồng cũng chưa bù đắp được tổng nguồn vốn xã chưa tìm được địa chỉ để thu là 19,5 tỷ đồng cho việc thực hiện các tiêu chí trong năm 2014. Trong khi đó, theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM, số tiền nợ xây dựng cơ bản của Thạch Bằng đến cuối tháng 6 năm nay trên 7 tỷ đồng.

Ở những địa phương không thuộc địa bàn thành thị hoặc gần các khu vực trung tâm, nguồn thu từ đất để trả nợ các công trình hạ tầng KT-XH càng không khả thi ở thời điểm bất động sản chưa hồi phục sau khủng hoảng. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, số nợ xây dựng cơ bản của các xã xây dựng NTM chưa phải là quá lớn. Nếu các địa phương biết đánh thức tiềm năng từ các nguồn thu trên địa bàn, đặc biệt là khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn thì nguồn để trả nợ có thể tính toán được. Bởi vậy, nếu nhìn được khả năng thanh toán trong thời gian tới, các địa phương có thể đặt quyết tâm cao và năng động tìm các giải pháp để có thể hoàn thành các tiêu chí chuẩn NTM.

Ông Trần Huy Oánh - Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM: Đối với việc phân bổ nguồn vốn cho 235 xã xây dựng NTM, tỉnh quan tâm ưu tiên nhóm xã điểm nhưng đồng thời phân bổ đồng đều cho các xã còn lại. Mục tiêu đề ra là bên cạnh xây dựng điểm, phải dành nguồn lực thỏa đáng cho tất cả các địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM, vừa tạo sự chuyển biến trên diện rộng, vừa đảm bảo tính công bằng đối với người hưởng lợi cuối cùng là nhân dân.

Năm nay, từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, nhóm xã đạt chuẩn năm 2013 được phân bổ 4.340 triệu đồng; nhóm đạt chuẩn năm 2014 được phân bổ 19.380 triệu đồng; các xã về đích năm 2015 là 20.460 triệu đồng và 187 xã còn lại được phân bổ 64.246 triệu đồng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 259.230
Trong năm: 155.470
Trong tháng: 51.194
Trong tuần: 13.650
Trong ngày: 117
Online: 14