Vụ tôm năm nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết và dịch bệnh, nhưng nhờ người dân đã chủ động đầu tư, áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đặc biệt là phương pháp lót bạt, tạt bờ, nên năng suất tăng gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Và đây được xem là vụ tôm thắng lợi nhất từ trước tới nay.
Vụ tôm năm nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết và dịch bệnh, nhưng nhờ người dân đã chủ động đầu tư, áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đặc biệt là phương pháp lót bạt, tạt bờ, nên năng suất tăng gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Và đây được xem là vụ tôm thắng lợi nhất từ trước tới nay.
Gần 10 năm làm nghề nuôi tôm, nhưng đối với gia đình anh Trần Mạnh Duyên ở thôn 10 xã Cẩm Lĩnh thì đây là vụ tôm giành thắng lợi lớn nhất với năng suất 11 tấn/ha. Có được hiệu quả đó là nhờ vụ tôm năm nay anh đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để áp dụng kỹ thuật trải bạt bờ và toàn bộ đáy ao nuôi với 1ha diện tích và với nuôi lót bạt này cho anh thả giống với mật độ là 1 triệu con/ha. Cùng với đó, trong quá trình nuôi gia đình anh đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, nên ngoài 1 ha nuôi bằng phương pháp lót bạt, thì 5 ha còn lại cũng đạt năng suất khá cao. Vụ tôm năm nay gia đình anh phấn khởi thu hoạch khoảng 22 tấn tôm, trong đó riêng 1ha nuôi bằng phương pháp lót bạt, tạt bờ đạt 11 tấn. Với giá tôm hiện nay là 75.000/kg, thì trừ các khoản chi phí gia đình anh cũng thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Trần Mạnh Duyên, thôn 10 xã Cẩm lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “ Sau khi được tập huấn kỷ thuật nuôi tôm lót bạt, tạt bờ, mặc dù nguồn đầu tư lớn, nhưng gia đình vẫn mạnh dạn đầu tư nuôi theo hình thức này, qua phuơng pháp nuôi này cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. điều đáng nói là không chỉ đạt năng suất cao, mà việc đầu tư một lần có thể nuôi được nhiều vụ. Từ kết quả này, tôi mong muốn tiếp tục có sự hổ trợ thêm của nhà nước để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi theo hình thức lót bạt, tạt bờ nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích".
Bà con nhân dân tập trung thu hoạch tôm
Không chỉ riêng gia đình anh Trần mạnh Duyên, mà các hộ nuôi tôm ở Cẩm Xuyên cũng đang vui mừng thu hoạch một vụ tôm thắng lợi. Đặc biệt, những ao nuôi áp dụng phương pháp lót bạt, tạt bờ thì năng suất tăng lên gấp 5 lần, so với những ao nuôi khác. Toàn huyện Cẩm xuyên có khoảng 186 ha diện tích nuôi tôm, những năm trước vụ thắng lợi lắm cũng chỉ thu về được khoảng gần 400 tấn. Thì vụ tôm năm nay, toàn huyện thu về được gần 500 tấn tôm. Trong đó, có 6 ha diện tích nuôi tôm bằng phương pháp lót bạt, tạt bờ đã cho thu về đến hơn 60 tấn. Để có được một vụ tôm thắng lợi như vậy là nhờ vào sự mạnh dạn đầu tư của bà con nhân dân, cùng với đó là rút kinh nghiệm từ những vụ tôm trước nên vụ tôm này huyện Cẩm Xuyên đã chủ động chỉ đạo bà con nhân dân thả tôm đúng lịch thời vụ, thành lập các tổ cộng đồng trong vùng nuôi, phòng NN- PTTNT huyện cũng thường xuyên cử cán bộ trực tiếp xuống theo dõi các quy trình kỹ thuật và xử lý kịp thời khi phát hiện tôm bị dịch.
Ông Trần Đắc Đại, Phó phòng NN và PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm: “Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, người dân đã tập trung lót bạt và các kỹ thuật đúng quy trình, chọn giống đảm bảo chất lượng nên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là một mô hình mới ở Cẩm Xuyên và trong thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư, mở rộng trên địa bàn toàn huyện”.
Niềm vui của một vụ tôm thắng lợi
Với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào trong nuôi tôm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, đồng thời giải quyết việc làm ổn định có thu nhập cho một số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, để mô hình nuôi tôm bằng phương pháp lót bạt, tạt bờ phát triển một cách bền vững, thì các cấp, ngành cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực về KHKT, nguồn vốn vay cho bà con nông dân để giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển nghề nuôi tôm theo phương pháp mới có hiệu quả.
Bài, ảnh: Trọng Thái - Minh Sơn