Từ đầu năm mới 2016, hàng loạt chính sách quan trọng sẽ được đưa vào cuộc sống, trong đó có quy định vợ sinh con, chồng được nghỉ tối đa 14 ngày làm việc; Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân; Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú.
Vợ sinh con, chồng cũng có "chế độ thai sản"
Từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành, quy định lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe người mẹ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.
Từ năm 2016, khi vợ sinh con, chồng được nghỉ tối đa là 14 ngày
Luật cũng quy định lao động nam đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân
Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay cho tên gọi “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
Mặt trước thẻ căn cước công dân
Thẻ Căn cước công dân chỉ phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân, do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không được lặp lại ở người khác.
Chứng minh thư nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch
Luật Hộ tịch cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch.
Trong luật cũng quy định cơ sở dữ liệu hộ tịch là tài sản quốc gia, lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mọi cá nhân, làm cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, phục vụ yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi
Luật Nghĩa vụ quân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, quy định công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 25, nhưng với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Thanh niên Thủ đô chia tay người thân, háo hức lên đường nhập ngũ
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Trong trường hợp để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hay đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng.
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình gồm: Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư đủ 24 tháng trở lên; Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ 36 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị.
Chấm dứt thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường
Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ từ ngày 1/1/2016, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Trong luật cũng quy định Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND, còn các thành phố trực thuộc Trung ương có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND.
Mỗi bộ không quá 6 thứ trưởng
Luật Tổ chức Chính phủ với 7 chương, 50 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 người; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 người. Trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong luật cũng quy định rõ số lượng cấp phó của người đừng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3 người; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4 người.
Luật Tổ chức Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nêu rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; Thực hiện giám sát và phản biện xã hội; Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
Quy định chức danh Tổng Thư ký Quốc hội
Luật tổ chức Quốc hội gồm 7 chương, 102 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, quy định rõ chức danh Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội
Trong luật cũng bổ sung quy định để bảo đảm đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong luật bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Tăng thuế suất thuốc lá, rượu và bia
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 liệt kê rõ các hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 65% lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019. Đối với rượu từ 20 độ trở lên, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 55% từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2016; trong năm 2017, loại rượu này được áp thuế là 60%.
Đối với bia, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng thêm 5% lên 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018.
Đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ chỗ xuống, loại có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống áp thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt là 45%, loại có dung tích xi lanh trên 2.000cm3 đến 3.000m3 là 50%...
Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực
Từ ngày 1/1/2016, Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành quy định rõ việc kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã có trong kế hoạch kiểm toán năm 2015 được tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành kế hoạch kiểm toán.
Theo Dân trí