Thị trấn Cẩm Xuyên vừa tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di lích lịch sử cấp tỉnh Đền Cẩm Bào ở Thị trấn Cẩm Xuyên. Dự lễ có đồng chí Lê Đình Phi – UVBTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy; lãnh đạo một số ban, ngành cấp huyện; đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Thị trấn Cẩm Xuyên và đông đảo nhân dân Thị trấn, con em xa quê đã về dự lễ.
Thị trấn Cẩm Xuyên đón nhận bằng xếp hạng di lích lịch sử cấp tỉnh Đền Cẩm Bào
Đông đảo nhân dân Thị trấn Cẩm Xuyên và con em xa quê đã về dự lễ
Đền Cẩm Bào được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời vua Lê Ý Tông (1665) để thờ công chúa con của vua Lê Thần Tông. Tương truyền công chúa là người con gái có tài sắc vẹn toàn và nhân gian thường gọi là công chúa Lê Bà. Công chúa Lê Bà là người đã xa giá theo vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh và các vị tướng lĩnh vào Quảng Bình trong cuộc nội chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn tại Quảng Bình. Khi quân Trịnh thất bại và rút quân về vùng đất Kỳ Hoa phòng thủ. Thấy binh lính đói khổ, nhân dân li tán, công chúa Lê Bà đã cùng với tướng lĩnh chiêu tập nhân dân, binh lính tổ chức khai khẩn đất đai để sản xuất, trong đó đã khai khẩn 370 mẩu ruộng tại làng Cẩm Bào, nay là Thị trấn Cẩm Xuyên rồi chia đều cho dân theo chế độ công điền, công thổ và xây dựng làng mạc trù phú.
Nhân dân rước bằng di tích về Đền Cẩm Bào
Ghi nhận công lao của công chúa Lê Bà, vua Lê đã ban thưởng cho bà một chiếc áo Gấm. Bà đã chọn vùng đất làng Cẩm Bào xưa nay là tổ dân phố 4 thị trấn Cẩm Xuyên để đặt áo vua ban làm lễ tế công. Tên làng Cẩm Bào cũng vì thế mà có từ đó. Để ghi nhớ công ơn của bà, sau khi bà mất nhân dân làng Cẩm Bào đã lập đền thờ và tôn bà làm thành hoàng của làng mình. Công chúa Lê Bà đã được các vưa Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh, Thành Thái ban nhiều sắc phong, trong đó đạo sắc của vua Tự Đức ghi rõ :
“Lê Bà Thánh Mẩu nhất nương.
Sắc phong bản cảnh thành hoàng ”
( Tự Đức tam thập nhi niên)
Lễ dâng hương tại Đền Cẩm Bào
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền thờ Cẩm Bảo đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đặc biệt năm 1948 đền trở thành nơi hợp tự của 8 ngôi đền, chùa trong vùng, trong ngày hợp tự, nhân dân địa phương đã rước 7 bức tượng Phật và một số hiện vật quý khác về tại đền, đáng tiếc là do công tác bảo quản không tốt, do sự biến thiên của thời tiết, đến nay các hiện vật bị hư hại, chỉ còn lại bát hương cổ. Trong hàng trăm năm qua, đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng, đặc biệt hàng năm vào ngày giỗ công chúa Lê Bà ( ngày 10 tháng 12 AL) được tổ chức rất long trọng và nhân dân địa phương về dự lễ rất đông.
Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, mà đền Cẩm Bào còn là một địa chỉ hoạt động cách mạng của địa phương, nơi thành lập chi bộ Đảng của làng Cẩm Bào, nơi tập hợp lực lượng, cất giấu vũ khí trong hai cuộc khánh chiến chống Pháp và Mỹ.
Đền Cẩm Bào được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đã khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của ngôi đền, qua đó góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc và biết phát huy truyền thống lịch sử.
Cũng trong dịp này, Thị trấn Cẩm Xuyên cũng đã tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập MTTQ Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân và chào mừng di tích đền Cẩm Bào được công dân là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Với nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, được dàn dựng khá công phu. Đêm văn nghệ đã thu hút được đông đảo nhân dân tới xem cổ vũ động viên, tạo khí thế thi đua sôi nổi.
* Một số hình ảnh tại đêm văn nghệ
Hồng Phượng – Hương Thành