Là một biểu tượng của văn hóa Xứ Nghệ, ví, giặm luôn thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Là một thế giới nghệ thuật đặc sắc, ví, giặm bắc những nhịp cầu để nối các vùng văn hóa Việt Nam, nối văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới.
Phương ngữ Nghệ Tĩnh và dân ca ví, giặm
Phương ngữ của một vùng được nhận diện qua 3 yếu tố: từ vựng, thanh điệu và ngữ điệu. Ở Việt Nam, hiếm có loại dân ca nào mà 3 yếu tố này lại hiện diện một cách đậm đặc như trong ví, giặm.
Sẽ hoàn toàn không còn là dân ca Nghệ Tĩnh khi các từ địa phương được thay bằng từ toàn dân. Nhà nghiên cứu Phan Mậu Cảnh cho biết, có 20% bài ví và 100% bài hát giặm sử dụng từ địa phương. Bên cạnh các từ vựng có nghĩa bị phát âm trại đi (trù, roọng, nác, tru, cộ…), các từ địa phương thường dùng như mô, tê, răng, rứa, chơ, nỏ… còn được sử dụng với tần suất cao hơn.
Nằm trong phương ngữ Trung bộ, tiếng Nghệ được coi là có 5 thanh, tuy nhiên, trên thực tế, người Nghệ đã nhập các thanh, pha trộn các thanh theo những cách thức linh hoạt đặc biệt khiến trong tiếng Nghệ có khi chỉ có 3 thanh hay 3 thanh rưỡi.
Trong hát ví, giặm, sự pha trộn các thanh được thể hiện rõ rệt hơn cả và chỉ người Nghệ mới thẩm được sự biến thanh một cách phức tạp theo cách của riêng mình. Không xử lý được các sự biến thanh này, không thể hát hay dân ca Nghệ Tĩnh được. Do đó, gần như chỉ có người Nghệ mới hát đúng và hát hay dân ca Nghệ Tĩnh, người ở vùng khác, dù là nghệ sĩ lớn cũng khó mà hát đúng và hát hay theo các thanh âm biến đổi phức tạp này.
Về miền ví giặm. Ảnh: Quốc Khánh
Về sự đặc biệt của giọng nói người Nghệ, bên cạnh các nguyên nhân về ngữ âm, tôi cho rằng, cần nhìn nhận “tính riêng biệt” của tiếng Nghệ trong dân ca ví, giặm ở các nguyên nhân về lịch sử và tính cách người Nghệ. Dù rằng, phương ngữ là một hiện tượng mang tính lịch sử, có thể thay đổi theo thời gian, tuy nhiên, với người Nghệ, trong cuộc sống, họ không chấp nhận pha tiếng.
Và trong dân ca ví, giặm, họ sử dụng nguyên trạng phương ngữ theo một cách thức đậm đặc với hàm nghĩa nhấn mạnh cá tính của mình. Có lẽ, chất “gàn” của người Nghệ là ở đây. Họ cố tình giữ lại tiếng nói thô mộc, bởi nó thể hiện trong đó sự cực nhọc của việc chống chọi và thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống khó khăn, nó thể hiện sự cứng cỏi của nghị lực, vừa bản lĩnh, vừa bảo thủ một cách gàn dở.
Tiếng Nghệ vì thế, chính là người Nghệ. Nó là chất kết dính những người Nghệ xa xứ, họ có thể “bắt sóng” để nhận ra nhau và thân thiết với nhau nhanh chóng. Đó là lý do khiến cho ví, giặm, nơi sử dụng một cách hồn nhiên và đậm đặc tiếng Nghệ, là sức hút nam châm đối với mỗi người Nghệ, càng xa quê, càng trở nên mãnh liệt.
Những chiều cạnh trong tính cách và đời sống cảm xúc người Nghệ
Ấn tượng đầu tiên và hết sức mạnh mẽ mà dân ca ví, giặm mang lại là sự sâu sắc trong tâm hồn người tham gia sáng tác và diễn xướng ví, giặm. Mỗi bài hát ví, hát giặm về tình yêu là một câu chuyện tình mà người hát gửi lòng mình vào đó, người nghe như đang được trải nghiệm cảm xúc yêu đương và độ thiết tha, sâu sắc của tình cảm được dồn nén trong bài dân ca khiến người hát/người nghe nghĩ sâu hơn về chính con người mình. Ấn tượng thứ hai là sự kết hợp chất dân gian và chất bác học trong lời ca. Có điều này một phần vì các cuộc hát ví, giặm có sự tham gia của các nhà nho bình dân và các bậc đại nho như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu; phần khác là vì trong mỗi con người Nghệ có nhiều con người cùng tồn tại mà Vũ Ngọc Khánh đã chỉ ra (có con người khố chạc, có con người văn chương chữ nghĩa).
Hát ví phường vải Trường Lưu. Ảnh: N.G
Có thể thấy một biểu hiện của những đối cực của phong thái người Nghệ trong nhịp điệu của 2 lối hát ví và hát giặm: bên cạnh nhịp điệu dồn dập và nặng nhọc là giai điệu ngọt ngào và sâu lắng; bên cạnh cách nói lịch sự và đầy chữ nghĩa, cách thể hiện thiết tha và trân trọng, phong cách thanh tao và sang trọng là sự mộc mạc đến thô giản, thậm chí là cả yếu tố tục trong cách diễn đạt của dân ca ví, giặm.
Như vậy, qua ví, giặm, có thể hình dung khái lược về chân dung con người Xứ Nghệ: đó chắc chắn không phải chỉ là những nét vẽ nên thơ mà là những nét khắc họa trung thực, mà thông qua đó, sự tinh tế, trau chuốt và sự xù xì, thô ráp của con người Nghệ với những đối cực trong tâm tính và cảm xúc hiển hiện thật rõ nét.
Bản tính của người Nghệ là không ưa tô vẽ; bằng sự mộc mạc, họ nhận chân bản thân mình; bằng sự cứng cỏi, họ khẳng định bản lĩnh của mình; bằng sự kiêu hãnh, họ thể hiện lòng tự tôn và bằng sự bảo thủ, họ sống trong một thế giới đầy bản sắc nhưng cũng không ít giới hạn của chính mình. Ví, giặm trở thành những thông điệp để người Nghệ tạo lập những liên kết và sẻ chia trong cộng đồng, để giới thiệu mình với thế giới bên ngoài và cũng từ sự nhận chân đó để phá bỏ dần các giới hạn, để hòa nhập vào không gian chung của đất nước và thế giới.
Ví, giặm trong cuộc sống hôm nay
Các nghiên cứu thực địa đều chỉ ra sự đứt đoạn của diễn xướng ví, giặm trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong lòng người Nghệ Tĩnh vẫn luôn có chỗ cho các bài dân ca.
Theo “Báo cáo tổng quan về kiểm kê khoa học dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện trong 2 năm 2012-2013, thì ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm; các nghệ nhân đã ký tên vào bản đại diện cho cộng đồng, cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về việc đề cử hồ sơ quốc gia, trình UNESCO xét duyệt đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2013(1).
Sinh hoạt dân ca ví, giặm tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Ảnh tư liệu
Cùng với các hoạt động diễn xướng dân gian, hoạt động sưu tầm và biểu diễn của các đoàn dân ca, việc cải biên lời cũ và sáng tác lời mới của các nhạc sĩ, hoạt động sưu tầm của các nhà nghiên cứu, hoạt động truyền dạy của các nghệ nhân trên sóng truyền hình và trong các trường học, các phong trào thi đua học hát dân ca trong trường học và trong các địa phương trên địa bàn tỉnh… đã thực sự làm sống lại kho tàng dân ca ví, giặm trong cuộc sống mới.
Bên cạnh đó, việc sáng tác các ca khúc sử dụng chất liệu dân ca ví, giặm cũng là một cách thức thể hiện việc khơi nguồn và tiếp nối sức sống của dân ca cổ truyền trong bối cảnh mới. Trong các ca khúc này, phương ngữ Nghệ được sử dụng một cách tinh tế và uyển chuyển với trình độ nghệ thuật cao khiến cho chỉ cần lời ca được cất lên là người nghe được đắm chìm vào không gian văn hóa đặc sắc của Xứ Nghệ. Vẫn là việc sử dụng tiếng địa phương, sự pha trộn của các thanh điệu và việc thể hiện ngữ điệu đặc trưng giọng Nghệ, các bài hát về Nghệ Tĩnh tiếp nối mạch nguồn của dân ca ví, giặm đã chuyển tải hồn quê qua các ca khúc tới người nghe mà sóng thanh âm có sức lay động mãnh liệt tới các tâm hồn người Xứ Nghệ.
Có thể nói, không một người Nghệ Tĩnh nào không thuộc ít nhất một ca khúc về quê hương mình. Và ở đây, ta thấy rằng, âm nhạc của một vùng đất (dân ca, nhạc đương đại) có giá trị kết nối cao với một sức mạnh không thể ngờ tới, nó tạo nên một không gian văn hóa xuyên thời gian và xuyên không gian, đưa những người xa lại gần nhau trong một tinh thần tôn vinh bản sắc. Chính vì những giá trị đó, ngày 27/11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cũng như người dân của biết bao miền quê khác, tôi yêu quê hương tôi bằng một tình yêu sâu nặng. Trong tình yêu đó, với mọi người Nghệ, tiếng Nghệ như là một biểu tượng của tất cả sự gian khổ, nhọc nhằn, của dịu ngọt và đằm thắm, của bình yên và giông bão… gắn kết người Nghệ thành một cộng đồng đầy thân thương và ví, giặm như một thứ hồn cốt của quê hương mà tôi tin, tất cả mọi người Nghệ đều từ đó để “lớn nổi thành người”.
(1) Nguồn: http://vicas.org.vn/
PGS. TS. Trần Thị An
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam