Nhằm góp phần thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, Hội phụ nữ huyện Cẩm Xuyên đã tập trung chỉ đạo hội viên phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Là địa phương nằm phụ cận Thành phố Hà Tĩnh, lại nằm trong vùng quy hoạch cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, trong 3 năm trở lại đây Cẩm Vịnh đã có hơn 100ha đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi và có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ xã Cẩm Vịnh đã tín chấp hơn 1 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế, đồng thời tranh thủ hỗ trợ từ các dự án như: Dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho hộ nghèo, các lớp đào tạo nghề của liên minh HTX Hà Tĩnh để tạo điều kiện đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên. Thành lập các tổ hợp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa như: tổ hợp sản xuất hương, sản xuất rau an toàn, làm nấm, may bóng, sản xuất đậu phụ, đào tạo nghề nấu ăn….
Tổ hợp sản xuất tăm hương xã Cẩm Vịnh giúp hội viên tranh thủ thời gian |
Với những lợi ích của việc sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể đến nay có 30% hội viên phụ nữ xã Cẩm Vịnh được đào tạo nghề và tham gia các tổ hợp kinh tế. Việc tham gia các tổ hợp kinh tế, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn nâng cao khả năng tham gia phát triển kinh tế thị trường cho chị em. Chị Trần Thị Hòa – Tổ hợp sản xuất rau sạch Thôn Yên Khánh (Cẩm Vịnh) cho biết: “ Vùng đất này trước đây sản xuất mỗi năm một vụ lạc, nhưng cao cạn nên năng suất và hiệu quả kinh tế không cao, nhưng từ gần hai năm nay, được tập huấn về sản xuất rau sạch. Với hình thức mùa nào cây đó, các hộ nông dân đã trồng luân phiên các loại cây như rau cải, dưa đỏ, bí xanh, đậu leo…Qua gần hai năm sản xuất, mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng các loại cây trồng mà chúng tôi lựa chọn trồng khảo nghiệm ở đây đều phát triển tốt, cho thu nhập cao”.
Tham quan mô hình rau sạch ở Cẩm Vịnh |
Hội phụ nữ Cẩm Xuyên đã chú trọng xây dựng được các nhóm sở thích, các tổ hợp kinh tế, các HTX như: tổ hợp chăn nuôi gà thả vườn, tổ hợp chăn nuôi lợn, tổ hợp sản xuất rau an toàn, may bóng, làm nấm, làm tăm hương, làm nón, làm bánh, tổ hợp đan lông mi giả… Để các mô hình phát triển bền vững Hội phụ nữ đã tổ chức hội thảo đánh giá sát thực hiệu quả các mô hình qua đó kết nối mở rộng thị trường; tạo tiền đề giúp chị em nâng cao kiến thức về sản xuất hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và kiến thức tiếp cận thị trường.
Để xây dựng được các mô hình, Hội phụ nữ huyện đã tín chấp hơn 37 tỷ đồng cho hội viên vay vốn. Có 100% hội viên có nhu cầu vay vốn đã được đáp ứng, trong đó có 80% hội viên vay được tập huấn khoa học kỷ thuật, thay đổi hình thức sản xuất theo hướng hàng hóa. Hàng năm có từ 300 - 400 hội viên được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Hiều - Tổ trưởng tổ nuôi gà tại thôn Phú Hoà - xã Cẩm Hoà cho biết thêm: “Trước đây vùng biển ngang này, chồng đi biển, vợ ở nhà sản xuất hoa màu, thu nhập thấp, vì chủ yếu là đi gần bờ, khi thời tiết thuận lợi thì còn kiếm được 5 - 7 chục ngàn, chứ thời tiết bất thuận có khi cả tháng không có thu nhập. Ba năm trở lại đây được tập huấn KHKT, hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại nên gia đình đã chuyển sang chăn nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi năm thu lãi từ 40 - 60 triệu đồng. Hiện nay Tổ hợp nuôi gà chúng tôi đã có 60 hộ tham gia”.
Chăn nuôi gà thả vườn ở Cẩm Hòa hướng chuyển nghề có hiệu quả cao |
Hồng Phượng