Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIX, nhiệm kỳ 2005-2010, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tạo được những dấu ấn quan trọng. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo cho Cẩm Xuyên một sự ổn định vững chắc và từng bước có diện mạo mới, làm cho vùng đất ở cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Tĩnh trở nên năng động và đầy triển vọng… Những con số ấn tượng Trao đổi với chúng tôi về những thành tựu đã đạt được, Bí thư Huyện uỷ Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Huyên cho rằng, thành công trong 4 năm qua là huyện đã đề ra nhiều chính sách, khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực tập trung xây dựng bộ mặt nông thôn mới từng ngày khởi sắc. Tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là hướng chủ đạo trong cơ cấu kinh tế chuyển hướng du lịch - dịch vụ của một huyện thuần nông, Đảng bộ Cẩm Xuyên tập trung chỉ đạo xây dựng, từng bước hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Nổi bật như: mô hình 3 giảm 3 tăng kết hợp thâm canh lúa cải tiến; mô hình sử dụng công cụ sạ hàng tăng năng suất và tiết kiệm chi phí; mô hình sản xuất các giống lúa mới; mô hình chăn nuôi lợn tập trung, nuôi kỳ nhông thương phẩm, nuôi tôm thẻ chân trắng 2 vụ, nuôi cá chẻm lồng; mô hình trồng mây tắt thâm canh tập trung ở vùng đồi, trồng cây đào cảnh ở Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh… Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ứng dụng tiến bộ KHKT thâm canh tăng năng suất nên thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp của Cẩm Xuyên tăng nhanh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2009 đạt xấp xỉ 35 triệu đồng/ha, tăng gần 30% so với đầu nhiệm kỳ. Là một huyện giàu tiềm năng về du lịch, với những điểm đến hấp dẫn như biển Thiên Cầm, hồ Kẻ Gỗ, Khu lưu niệm và mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.., lại là cửa ngõ phía Nam thành phố nên Cẩm Xuyên trở thành một vùng năng động về phát triển du lịch-dịch vụ và thu hút đầu tư. Huyện đã có nhiều chính sách thông thoáng, tiến hành quy hoạch cụm CN-TTCN bắc Cẩm Xuyên và quy hoạch thị trấn Thiên Cầm, thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư; giá trị sản xuất trên lĩnh vực này tăng trung bình hàng năm từ 10-15%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư, mạng lưới đường giao thông nông thôn từng bước được nâng cấp, hoàn chỉnh. Đến năm 2009, Cẩm Xuyên đã có 405km đường liên thôn, liên xã được “cứng hoá”; mạng lưới thông tin liên lạc từng bước được hiện đại hóa, tỷ lệ điện thoại cố định trên dân số đạt khoảng 8,3 máy/100 dân. Nhiều dự án được triển khai thực hiện như: Trường Đại học Hà Tĩnh; đường ven biển Thạch Khê – Vũng Áng; Trung tâm văn hoá Hà Huy Tập; đường liên xã Vịnh – Thành – Quang, đường Cẩm Nam - Cẩm Phúc; hệ thống cấp nước sinh hoạt sử dụng tín dụng Hungari, dự án điện nông thôn REII, kè chống sạt lở bờ sông Hội, đê Cẩm Trung - Cẩm Vịnh… Doanh thu thương mại dịch vụ và du lịch năm 2009 đạt 370 tỷ đồng (tăng trung bình hàng năm trên 20%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Bên cạnh các doanh nghiệp lớn đang tiến hành đầu tư sản xuất trên địa bàn, hơn 1.700 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống chế biến hải sản ở Cẩm Nhượng, sản xuất rượu truyền thống ở Cẩm Yên, Cẩm Bình.., hàng năm giải quyết việc làm cho trên 4 ngàn lao động. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Huyên cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Cẩm Xuyên tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở, đặc biệc là các xã, thị trấn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và chăm lo các chính sách an sinh xã hội, xem đây là nội dung rất quan trọng để đánh giá tổ chức cơ sở đảng; chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất giữa đảng, mặt trận và các hội, đoàn thể, giúp uỷ ban nhân dân các cấp điều hành quyết liệt, hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện tốt quy chế dân chủ, nắm bắt nguyện vọng, ý kiến của cơ sở để điều chỉnh sự lãnh đạo, chỉ đạo và có các giải pháp, việc làm phát huy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở và nhân dân.
Cùng với củng cố, kiện toàn, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; luân chuyển, thuyên chuyển, điều động, bố trí hàng chục cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được các cấp quan tâm. Trong 4 năm qua, toàn huyện có 231 lượt người được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có 110 cán bộ được đào tạo đại học và sau đại học. Đến nay, có 691 lượt cán bộ được học lý luận chính trị, trong đó có 20 người cử nhân và cao cấp chính trị. Các ban, ngành chức năng: Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, Công an huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra nắm chắc tình hình cơ sở, tham mưu cho cấp ủy huyện có các chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, khiếu kiện vượt cấp, giữ vững ổn định tình hình cơ sở, không để phát sinh tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và cấp ủy cơ sở hàng năm tiến hành kiểm tra bốn nội dung: quản lý, thu chi tài chính, ngân sách xã; quản lý, sử dụng vốn quỹ HTXDVNN; quản lý đất đai, XDCB và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó giúp cơ sở phòng ngừa quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm sai đường lối, chính sách và vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đảng bộ, chính quyền cơ sở thật sự TSVM. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy tổ chức 76 cuộc kiểm tra và 21 cuộc giám sát TCCSĐ cấp dưới. Công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm được UBKT các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Qua kiểm tra, UBKT Huyện ủy và đảng ủy cơ sở đã xử lý kỷ luật 271đảng viên và 16 tổ chức đảng. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đạt 77,01%, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 68,5%; kết nạp đảng viên mới 309 đảng viên; Đảng bộ huyện nhiều năm liền đạt TSVM và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
|
|||||||