Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo đó, Nghị định có một số điểm mới về xét nâng ngạch đối với công chức, bao gồm nguyên tắc, điều kiện, thứ tự ưu tiên trong xét nâng ngạch. Về nguyên tắc, việc xét nâng ngạch công chức được thực hiện trên cơ sở chỉ xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề với ngạch đang giữ. Trường hợp đạt thành tích cao hơn so với thành tích để được xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề thì cũng chỉ được xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề và không được sử dụng thành tích này để xét nâng ngạch lần sau. Việc xét nâng ngạch đối với công chức có thành tích trong hoạt động công vụ phải bảo đảm phù hợp với cơ cấu ngạch của cơ quan sử dụng công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiêu chuẩn của thành tích đạt được phải trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ và bảo đảm bố trí công chức làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với ngạch được xét. Việc xét nâng ngạch đối với công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý phải gắn với yêu cầu của vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức phê duyệt. Về điều kiện xét nâng ngạch, Nghị định bổ sung 02 Điều mới (Điều 31a, Điều 31b sau Điều 31 của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP) nhằm quy định cụ thể 02 trường hợp xét nâng ngạch đối với công chức: Một là: Công chức có thành tích trong hoạt động công vụ. Nếu xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương, thì công chức phải đáp ứng một trong hai điều kiện: (i) Được tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong công tác và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch; (ii) Có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương, thì công chức phải đáp ứng một trong ba điều kiện: (i) Được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch; (ii) Được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (iii) Được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên và có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, thì công chức phải đáp ứng một trong hai điều kiện: (i) Được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên và có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; (ii) Được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có số lượng công chức đủ điều kiện xét nâng ngạch do có thành tích trong hoạt động công vụ nhiều hơn so với cơ cấu ngạch công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì xác định xét nâng ngạch theo thứ tự ưu tiên: (i) Công chức có thành tích khen thưởng cao hơn; trường hợp bằng nhau thì xét công chức có nhiều thành tích khen thưởng hơn trong thời gian giữ ngạch; (ii) Công chức có thành tích thi đua cao hơn; trường hợp bằng nhau thì xét công chức có nhiều thành tích thi đua hơn trong thời gian giữ ngạch; (iii) Công chức là nữ; (iv) Công chức là người dân tộc thiểu số; (v) Công chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh); (vi) Công chức có thời gian công tác nhiều hơn. Hai là: Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, công chức được xét nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương khi được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh: Vụ trưởng và tương đương trở lên thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (áp dụng đối với trường hợp được xác định là công chức); Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với trường hợp xét nâng ngạch lên ngạch công chức chuyên ngành mà không phải là ngạch chuyên viên cao cấp; Giám đốc Sở và tương đương trở lên thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương khi công chức được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh: Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (áp dụng đối với trường hợp được xác định là công chức); Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với trường hợp xét nâng ngạch lên ngạch công chức chuyên ngành mà không phải là ngạch chuyên viên chính; Phó Giám đốc Sở và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương. Đối với các chức vụ, chức danh tương đương trong các cơ quan của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được áp dụng quy định này. Tuy nhiên, quy định nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không áp dụng đối với người được giao quyền hoặc giao phụ trách cơ quan, tổ chức, đơn vị.