Có một sự trùng hợp lạ kỳ, lạ kỳ mà tuyệt đẹp là Đảng ta - Đảng của những người cộng sản Việt Nam - lại sinh ra đúng vào một ngày xuân, nên mỗi kỳ đón Tết Nguyên đán, ngày tết thiêng liêng nhất của dân tộc cũng là dịp mừng sinh nhật Đảng. Mùa xuân làm đổi mới đất trời. Đảng là mùa xuân cuộc sống.
Và phải chăng, mỗi đảng viên, mà trước hết là BCH Trung ương Đảng, trong niềm tự hào về truyền thống vẻ vang, cần luôn nhắc mình phải dào dạt sức xuân hơn nữa trong điều nghĩ, việc làm?
Đảng là sự tươi xanh của khát vọng dân tộc, là sự bất diệt của nhân dân.
Đảng là mùa xuân, trước hết vì lý tưởng cao đẹp của mình. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được nhân loại. Đó là một chân lý, một niềm tin tuyệt đối. Dù thời gian bao lâu, dù phương thức thế nào, dù phải trải qua những thất bại tạm thời. Vì thế, nhà thơ Pháp Lu-i A-ra-gông (1897-1982) trong Bài ca của người hát trong ngục tù tra tấn đã khẳng định:
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Một tiếng từ ngục tối
Nói đến những ngày mai…
Đảng là mùa xuân, vì lớp lớp đảng viên của Đảng kết tinh được tinh hoa, khí phách của dân tộc. Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta là một con người đẹp nhất, người làm rạng rỡ non sông, đất nước; người soi rọi nền văn hóa tương lai. Và biết bao Trần Phú trước lúc hy sinh còn dặn lại đồng chí Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!
Tôi đã đọc hàng chục, hàng trăm lần câu nói bất tử của Lý Tự Trọng vào mùa xuân năm 1931 khi anh mới 17 tuổi, trước tòa án thực dân Pháp: Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm là vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác.
Mười ba năm sau, ngày 24/5/1944, trước khi ra pháp trường chịu án chém, Hoàng Văn Thụ đã cất lên tiếng nói chân lý và tuyên án chế độ thực dân xâm lược: Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước; sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng! Những con người như vậy đã hy sinh bản thân để làm nên lịch sử. Và đây cũng là bài học lịch sử mà I-li-a Ê-ren-bua đã tổng kết: Lịch sử quên ngay tên những hung phạm… Lịch sử giữ lại những tên khác: tên những người bỏ mình vì lý tưởng, vì nhân dân, vì loài người, vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Đảng là mùa xuân, vì Đảng tượng trưng cho cái đẹp, cho đạo đức, văn minh. Ngày 5/1/1960, trong diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Bác Hồ viết:
Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại.
Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no…
Đảng là mùa xuân vì Đảng sinh ra từ nhân dân, mà nhân dân thì bất tử.
Không một con người, không một tổ chức nào lại không có khuyết điểm, không bị tha hóa!
Vì vậy, rất dễ hiểu khi Đảng cũng có những sai lầm; khi trong Đảng có những người thoái hóa, biến chất. Xuân này, mừng sinh nhật Đảng tuổi tám mươi lăm, không nên chỉ có những lời ca ngợi, hay nói một cách khác, lời ca ngợi, tốt nhất là mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng phải tự sửa mình; gắng làm tốt những việc thiết thực có ích cho dân, cho nước. Làm thì “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; lo trước, vui sau thiên hạ. Trong “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Bác viết: “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng trước, lợi ích của cá nhân sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính đảng”. Trước lúc lâm chung, Bác còn thiết tha căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Lần giở những trang sử Đảng, tôi thấy những người cộng sản là người rất thẳng thắn, quyết liệt trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu của bản thân và sai lầm, khuyết điểm của tổ chức. Từ năm 1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” (Nhà sách Dân chúng xuất bản, 7/1939) trong đó có những câu: “Phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”; “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”. Như vậy, Đảng muốn mạnh, phải luôn tự chỉ trích; tự phê bình và phê bình theo cách nói ngày nay; phải nói đi đôi với làm, mà làm gương là chính, chứ không phải làm cách mạng đầu lưỡi.
Nghị quyết T.Ư 6 khóa VIII, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Việc thực hiện nghị quyết này đã và sẽ tạo được chuyển biến rõ rệt, xử lý được những phần tử tham nhũng, xiểm nịnh, bè cánh, thoái hóa biến chất, kém năng lực…; phải tìm được hiền tài để chính khí của Đảng thêm mạnh mẽ, tươi nhuần.
Theo: Nguyễn Sĩ Đại
Baohatinh.vn