UBND huyện Cẩm Xuyên vừa tổ chức thăm đồng đánh giá năng suất lúa vụ hè thu và kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tham gia có đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Hà Văn Bình - Phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện.
Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình lúa hữu cơ tại xã Cẩm Quang
Các đồng chí lãnh đạo huyện đã đi thăm đồng và động viên bà con nông dân thu hoạch lúa tại các xã trên địa bàn huyện. Vụ hè thu năm năm nay, toàn huyện sản xuất gần 9.100 ha lúa, năng suất ước đạt 55,3 tạ/ha, cao nhất toàn tỉnh và cao nhất vụ hè thu từ trước đến nay. Ngoài ra, giá bán lúa hiện nay đang ở mức cao, cụ thể lúa Khang dân bán tươi từ 6.400-6.500 đồng/kg, Khang dân phơi 1 nắng giá bán 8.800 đồng/kg (tương đương với vụ Xuân 2024). Nhìn chung lúa vụ hè thu vừa được mùa, được giá nên Nhân dân rất phấn khởi, trong đó các địa phương phía bắc huyện gieo cấy sớm và chủ động về nguồn nước, hiện nay đã bước vào gặt đại trà (Nam Phúc Thăng, Yên Hòa, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Hưng, thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Quan… gặt đạt trên 50% diện tích); tại các địa phương phía nam huyện khó về nước tưới nên năng suất có thấp hơn so với các xã vùng ngoài, nhưng năng suất trung bình vẫn cao nhất toàn tỉnh.
Để đạt được kết quả trên ngoài yếu tố thuận lợi của thời tiết thì sự vào cuộc chỉ đạo sát đúng của cấp ủy chính quyền huyện đối với xã, thị trấn trong cơ cấu bộ giống. Chủ yếu gieo cấy giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, trong đó: nhóm giống lúa hàng hóa, làm bún bánh như: Khang dân 18, khang dân đột biến, nếp 98, Xuân mai 12 , chiếm 81% tổng diện tích. Số diện tích còn lại nhóm giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thịnh, BT09, ADI168, VNR10.
Thu hoạch lúa tại xã Nam Phúc Thăng
Đối với sản xuất lúa hữu cơ, theo quy trình sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay và liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 28 ha: xã Cẩm Bình 16 ha (có 5 ha lúa hữu cơ, 11 ha theo hướng hữu cơ), Cẩm Quang 5 ha, Cẩm Lạc 3 ha, Cẩm Vịnh 4 ha. Theo hợp đồng liên kết với Công ty CP Hòa lạc IEC thì lúa hữu cơ liên kết thu mua giá 12.000 đồng/kg. Đến ngày 24/8/2024, toàn huyện đã thu hoạch được 45% diện tích; dự kiến đến ngày 02/9/2024, cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu.
Cùng với thu hoạch lúa thì bà con nông dân tập trung thu gom rơm trên ruộng. Người dân nâng cao ý thức về tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng; thu gom tối đa rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc, sử dụng làm phân bón hữu cơ, tủ gốc cho cây ăn quả hoặc vùi rơm rạ vào đất và sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để tạo ra phân hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.
Bà con nông dân thu gom rơm trên đồng ruộng tại xã Nam Phúc Thăng
Đáng chú ý hiện nay một số hộ dân đã đầu tư máy cuốn rơm để thu gom rơm trên đồng ruộng. Giá cuốn trung bình 60 - 70 nghìn đồng/ sào. Một số hộ sau cuốn rơm đưa về hộ gia đình; hoặc bán cho các thương lái vận chuyển nhập về cho các trang trại làm thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất nấm rơm. Việc nông dân hưởng ướng đưa rơm ra khỏi đồng ruộng và tránh tình trạng đốt rơm, gốc rạ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, cũng là yếu tố tăng trưởng xanh trong nông nghiệp mà cấp ủy chính quyền địa phương rất quan tâm.
Với nhiều lợi thế về tự nhiên như cánh đồng bằng phẳng, nguồn nước tưới từ các hồ đập lớn và truyền thống sản xuất lúa của người dân. Cấp ủy chính quyền địa phương chú trọng việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ việc tập trung tích tụ ruộng đất, sử dụng cùng giống lúa, quy trình xuống giống, chăm sóc lúa trên một cánh đồng đã tạo ra nguồn lúa hàng hóa lớn, xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên trên thị trường. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa và thu gom rơm rạ trên đồng ruộng cũng góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cho người nông dân.
Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình sản xuất dứa liên kết với Công ty Đồng Giao (Ninh Bình )tại xã Cẩm Quan
Các đồng chí lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn như mô hình trồng dứa liên kết với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) tại xã Cẩm Quan; mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại xã Cẩm Quang, Thị trấn Thiên Cầm. Theo lãnh đạo huyện cho biết cùng với các loại cây giống, con giống truyền thống, cấp ủy chính quyền huyện khuyến khích người dân mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư để đưa vào sản xuất các loại giống mới, tạo ra các mô hình kinh tế mới có hiệu quả; phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần vào mục tiêu sản xuất nghiệp theo hướng bền vững và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Th: Hoài Thương - Đình Tuấn
Trung tâm VH-TT huyện Cẩm Xuyên