Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/ 1947- 27/7/2024 ) và 38 năm ngày mất cốTổng bí thư Lê Duẩn (10/7/1986 - 10/7/2024), sáng ngày 8/7 đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên do đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Bí thư Huyện ủy dẫn đầu đã đến dâng hoa, dâng hương tại đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ. Tham dự đoàn có đồng chí Hà Thị Việt Ánh- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Hà Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy , Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong BTV Huyện ủy.
Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên dâng hoa, dâng hương tại đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở xã Cẩm Mỹ
Trong không khí trang nghiêm các đồng chí lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đã dâng hoa, dâng hương, cùng nhau ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng; đồng thời bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn - Người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, dân tộc và Nhân dân. Trước anh linh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên nguyện hứa sẽ phát huy truyền thống cách mạng đoàn kết một lòng trong Đảng, lãnh đạo Nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyên ủy dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc trước đóng góp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Đồng chí Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc trước đóng góp cúa cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Toàn cảnh buổi lễ dâng hoa, dâng hương tại đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Kỷ niệm 38 năm ngày mất Tổng Bí thư Lê Duẩn là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Nhân dân ta.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Duẩn (1907 - 1986) tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng vô sản. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí say mê đọc Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin... từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng.
Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công. Quan điểm và phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn chính là sự thể hiện trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Duẩn là một người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân. Cuộc đời hoạt động gần 60 năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã tham gia hoạt động ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, từng trải qua mọi thử thách, gian nan, luôn luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động.
Năm 1931, khi đang là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù và bị giam giữ ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Tại các nhà tù, đồng chí cùng nhiều đảng viên cộng sản đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và tổ chức học tập, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho anh em trong lao tù.
Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (11/1939), chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền và tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ.
Từ năm 1946, đồng chí được ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.
Từ năm 1954 - 1957, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTW từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng, đó là: việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH; là sự đảm bảo vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng của Tổ quốc; là những thành tựu về văn hóa, đạo đức, cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ xã hội chủ nghĩa đem lại.
Một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam
Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà lý luận xuất sắc, có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập lý luận, rèn luyện tư duy lý luận, trăn trở suy nghĩ nhằm tìm ra và giải quyết các vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và BCHTW hoạch định đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong việc tìm tòi con đường đưa nước ta từ một nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Đồng chí đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng lý luận phong phú trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, xây dựng Đảng...
Về xây dựng Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều công sức cho xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí chỉ rõ: Phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đoàn kết trong Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể, mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân. Không ngừng nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, sức chiến đấu của Đảng, chăm lo củng cố khối đoàn kết dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động bằng cách đem lại lợi ích thiết thân hằng ngày cho họ, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, thuyết phục và thúc đẩy họ bằng việc làm, bằng hành động thực tế, lời nói đi đôi với việc làm, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Muốn vậy, phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, ra sức học tập và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo gương sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, đồng chí đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng, về đường lối kháng chiến và phương thức tiến hành chiến tranh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn đã đúc kết rằng, chiến tranh nhân dân Việt Nam bao gồm 2 lực lượng: lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng giành chính quyền, làm chủ ngay trong chiến tranh. Đường lối chính trị của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là dựa vào sức mạnh đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc, lấy công - nông liên minh làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tìm ra con đường phù hợp để đưa nước ta từ nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý…
Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí Lê Duẩn làm sáng tỏ về mặt lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và sáng tạo. Đồng chí để lại cho chúng ta hàng loạt những tác phẩm lý luận có giá trị, tiêu biểu như: Đề cương cách mạng miền Nam, Thư vào Nam, Cách mạng xã hội chủ nghĩa, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…
Lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường và phong phú của đồng chí là tấm gương đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, đó là lòng trung thành vô hạn đối với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản cao cả. Phẩm chất cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng. Bất chấp mọi thử thách của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, cũng như những năm tháng hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, đồng chí luôn luôn nêu cao nghị lực phi thường, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Người dân Hà Tĩnh có nhiều tình cảm đặc biệt đối với cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều tình cảm đặc biệt với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Tháng 2/1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất, đoàn công tác Ban Bí thư Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về nhiệm vụ năm 1968 và 3 năm 1968 - 1970, định hướng cho tỉnh các nhiệm vụ lớn trong kháng chiến và sản xuất.Đặc biệt, thấu hiểu niềm mong mỏi của người dân về công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, trong quá trình lãnh đạo, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ đạo, giúp đỡ và kiểm tra trực tiếp, sát sao để công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ được khởi công.Sau 4 năm miệt mài lao động không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh của hàng chục nghìn người, ngày 26/3/1980, công trình hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu m3 hoàn thành, phục vụ tưới tiêu cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh . Nguồn nước từ hồ Kẻ Gỗ đã làm thay đổi diện mạo vùng đất Hà Tĩnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương vùng hạ du. Không chỉ vậy, hồ Kẻ Gỗ còn điểm đến du lịch hấp dẫn của Hà Tĩnh, là công trình hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh.
Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, giữa lòng hồ Kẻ Gỗ, thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ
Cầu vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ
Để phần nào tri ân công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn, năm 2011, được sự đồng ý của gia đình, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư xây dựng đền thờ cố Tổng Bí thư ngay trên hòn đảo nằm giữa lòng hồ - nơi đồng chí đã từng nghỉ lại trong chuyến về thăm Hà Tĩnh và đi thị sát công trình Kẻ Gỗ. Và, hòn đảo nằm giữa lòng hồ Kẻ Gỗ được người dân địa phương gọi là “Đảo cụ Duẩn”. Cây cầu bắc vào hòn đảo cũng được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2017, góp phần giúp người dân thuận tiện hơn khi đến dâng hương, vãn cảnh tại đền thờ.
Công trình đền thờ cố Tổng Bí thư đã trở thành biểu tượng cho tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn của các thế hệ người dân Hà Tĩnh đối với cố Tổng Bí thư. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi địa chỉ du lịch tâm linh và văn hóa Hà Tĩnh.
TH : Hoài Thương – Minh Sơn