Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: "Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: “Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó.

Căn cứ các quy định trên, cho thấy giữa khiếu nại và tố cáo, kiến nghị, phản ánh có những điểm khác nhau cơ bản sau đây:

Một là về mục đích

Mục đích của khiếu nại là đề nghị cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính đã ban hành mà quyết định hành chính, hành vi hành chính đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của bản thân người khiếu nại, thông qua việc xem xét của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của cá nhân mình thì tố cáo là việc cá nhân báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức khác. Việc tố cáo hướng tới mục đích là để xử lý những người đã vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tổ chức, cá nhân khác, không phải của mình. Trong khi đó, kiến nghị, phản ánh là việc công dân nêu lên ý kiến, nguyện vọng và đề xuất với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại hoặc xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của các cá nhân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp.

Hai là về chủ thể

          Chủ thể khiếu nại có thể là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức là những người chịu sự tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Chủ thể tố cáo là bất cứ cá nhân nào khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác, pháp luật không quy định tổ chức, cơ quan có quyền tố cáo. Như vậy người tố cáo chịu trách nhiệm cá nhân về việc tố cáo nhằm tránh việc những người lợi dụng tố cáo để vu khống các cá nhân, tổ chức. Chủ thể phản ánh, kiến nghị là cá nhân.

Ba là về trình tự giải quyết

Thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại thì theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011; thẩm quyền, trình tự giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và trình tự giải quyết phản ánh, kiến nghị thì tùy theo nội dung để có sự xem xét, phân loại để chuyển đến cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương đặc biệt là cấp xã cần có sự phân biệt rõ ràng và chính xác giữa khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị để tiếp nhận và giải quyết phù hợp cũng như thống kế, báo cáo và minh chứng cho các tiêu chí đánh giá các nội dung liên quan đến chính quyền cơ sở đúng quy định


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 118.571
Trong năm: 17.340
Trong tháng: 15.897
Trong tuần: 13.091
Trong ngày: 1.245
Online: 0