1. Phạm vi điều chỉnh Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
2. Đối tượng được bồi thường
Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
3. Giải thích từ ngữ
- Người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
- Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
- Người yêu cầu bồi thường là người có văn bản yêu cầu bồi thường thuộc một trong các trường hợp: người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.
- Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật.
- Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường.
- Người giải quyết bồi thường là người được cơ quan giải quyết bồi thường cử để thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.
- Hoàn trả là trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại một khoản tiền cho ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này.
4. Quyền yêu cầu bồi thường (Điều 5)
Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:
- Người bị thiệt hại;
- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ Luật Dân sự;
- Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều 5 ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
5. Thời hiệu yêu cầu bồi thường
Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường so với Luật TNBTCNN năm 2009, như sau:
- Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm (khoản 1 Điều 6).
- Bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính (khoản 2 Điều 6).
- Bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 6) và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu (khoản 4 Điều 6).
6. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Điều 7) như sau:
6.1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
6.2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
- Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
7. Nguyên tắc bồi thường của nhà nước
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
7.1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
7.2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;
7.3. Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;
7.4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh;
7.5. Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;
7.6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;
7.7. Áp dụng thủ tục hải quan;
7.8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
7.9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;\
7.10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ;
7.11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện;
7.12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.
8. Thiệt hại được bồi thường
Các loại thiệt hại được bồi thường bao gồm:
8.1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;
8.2. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
8.3. Thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm;
8.4. Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;
8.5. Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.
9. Thủ tục thực hiện việc yêu cầu bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
Việc yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính thực hiện thông qua mộthoặc hai thủ tục sau đây:
9.1. Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết bồi thường. Hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm:
- Đơn yêu cầu bồi thường;
- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
- Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
9.2. Trường hợp khởi kiện vụ án hành chính, người khởi kiện cho rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính thực hiện việc giải quyết bồi thường nhà nước.
10. Thủ tục giải quyết bồi thường và chi trả tiền bồi thường
10.1. Thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Việc giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện qua các bước sau:
Xác minh thiệt hại;
Thương lượng việc bồi thường;
Ban hành quyết định giải quyết bồi thường.
Thời hạn tối đa để thực hiện các bước trên là 60 ngày (95 ngày với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp).
10.2. Giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án
Người có thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong trường hợp:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định;
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường nhưng không đồng ý với quyết định đó. Người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết việc bồi thường đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
10.3. Chi trả tiền bồi thường: Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
11. Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
11.1. Cơ quan giải quyết bồi thường ở trung ương bao gồm:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Tổng cục, cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.
11.2. Cơ quan giải quyết bồi thường ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Cơ quan chuyên môn hoặc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.
11.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.
11.4. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.
11.5. Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
11.6. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo.
11.7. Cơ quan ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức.
11.8. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
12. Cơ quan giải quyết bồi thường không thu các khoản án phí, lệ phí, các loại phí khác và người bị thiệt hại không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền được bồi thường trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường./.