Đó là quan điểm của trạm trưởng trạm Y tế xã Cẩm Thạch Trần Hữu Lộc khi được hỏi về vai trò của người trạm trưởng trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới của Thủ tướng Chính Phủ và đổi mới y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đó là quan điểm của trạm trưởng trạm Y tế xã Cẩm Thạch Trần Hữu Lộc khi được hỏi về vai trò của người trạm trưởng trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới của Thủ tướng Chính Phủ và đổi mới y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trạm trưởng Trần Hữu Lộc sinh năm 1966. Anh đến với nghề y khá muộn, năm 33 tuổi. Tuy nhiên với niềm đam mê và tình yêu nghề, anh đã nỗ lực hết mình để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm 2015, anh được bổ nhiệm làm trạm trưởng trạm y tế xã Cẩm Thạch. Ở cương vị mới, chức trách mới, anh luôn trăn trở trong việc đổi mới công tác quản lý điều hành; thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; phát triển các kỹ thuật.... để trạm y tế thực sự là địa chỉ tin cậy cho người dân mỗi khi cần chăm sóc sức khỏe.
Trưởng trạm Y tế xã Cẩm Thạch Trần Hữu Lộc siêu âm, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.
Nghĩ là làm, việc đầu tiên anh thay đổi chính là lề lối làm việc của trạm y tế. Cùng với việc quán triệt tới cán bộ, nhân viên những quy định chung của tỉnh, của ngành về kỳ luật, kỷ cương hành chính, chế độ làm việc, chế độ trực. Bản thân anh đã gương mẫu, đi đầu thực hiện các quy định. Anh luôn là người đi sớm và về muộn nhất; luôn chăm lo trạm Y tế xã Cẩm Thạch như ngôi nhà thứ 2 của mình. Lúc đầu nhân viên trong trạm cũng có những khó khăn trong việc thực hiện nề nếp nhưng sau đó quen dần và noi theo gương anh để học tập. Đã từ nhiều năm nay, bất kể mưa hay nắng, trạm y tế xã Cẩm Thạch cũng luôn có người túc trực và chăm sóc người bệnh, không có cảnh đìu hiu vì vắng bóng người như trước đây. Cùng với việc thực hiện kỷ cương hành chính, việc đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ trạm y tế đã làm hài lòng người dân đến khám và điều trị tại đây. Anh cho biết: chúng tôi phải thay đổi tư duy cũ trong việc chăm sóc người bệnh. Không còn tình trạng ban ơn đối với người bệnh, thay vào đó là sự tận tình, chu đáo, coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm cho mọi hoạt động của trạm.
Cùng với thay đổi nề nếp làm việc, thay đổi tư duy trong chăm sóc tiếp cận người bệnh, anh cũng tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhận thức rõ những khó khăn của trạm về nhân lực, trang thiết bị, trạm trưởng Trần Hữu Lộc đã cùng nhân viên trạm Y tế đi học tập nâng cao tay nghề, trong đó hướng vào những chuyên môn, kỹ thuật mà người dân địa phương cần như khám, điều trị đông y, các kỹ thuật siêu âm, điện tim... Anh cũng tích cực tiếp cận các dự án, tranh thủ mọi nguồn lực của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để có nguồn lực xây dựng và trang bị cho trạm. Tính đến nay anh đã huy động được gần 6 tỷ đồng để sửa chữa trạm và vận động các nhà hảo tâm, các chương trình, dự án hỗ trợ máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm 10 thông số, kính hiển vi điện tử, monitor sản, đèn gù ánh sáng lạnh... Những trang thiết bị này đã cơ bản giúp cán bộ y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Anh Nguyễn Hữu Quyền – Thôn Bộc Nguyên 1 cho biết: Ở đây có đủ máy móc, có bác sỹ, cán bộ y tế lại tận tình chu đáo vì vậy người dân trong xã rất yên tâm khi đến khám, điều trị tại đây. Bản thân tôi cứ định kỳ 6 tháng lại đến đây để khám kiểm tra sức khỏe, còn mẹ tôi cũng được quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường từ nhiều năm nay.
Trung bình mỗi ngày trạm khám và điều trị cho 25- 30 bệnh nhân. Năm 2017, tổng sồ lượt người đến khám, điều trị là :4856 lượt. Trong đó; khám bệnh bằng y học cổ truyền là 1.567 lượt, đạt 32%, bệnh nhân khám BHYT là 1076 lượt. Trạm Cẩm Thạch là một trong những trạm dẫn đầu của huyện trong phát triển các kỹ thuật theo phân tuyến với 85% kỹ thuật được thực hiện.
Cùng với công tác khám, chữa bệnh công tác phòng chống dịch bệnh cũng được trạm trưởng Trần Hữu Lộc quan tâm đẩy mạnh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, anh xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh sớm, triển khai giám sát dịch bệnh chặt chẽ, đồng thời chỉ đạo hệ thống y tế thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tới từng người dân. Nhờ vậy nhiều năm liền xã Cẩm Thạch không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các bệnh dịch lẻ tẻ được khoanh vùng và dập tắt kịp thời. Công tác tiêm chủng cũng được thực hiện tốt, tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt gần 100%, phụ nữ mang thai được chăm sóc thai nghén trong suốt quá trình theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, từ một trong những xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở thể thấp còi cao nhất huyện đến năm 2017, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 13,2%. Theo trạm trưởng Trần Hữu Lộc: năm 2012 tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em của xã Cẩm Thạch là 25,2%. Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi, cải thiện nòi giống, anh đã tham mưu cho UBND xã và các ban ngành cấp xã cùng vào cuộc quyết liệt. Bản thân anh cùng cán bộ trạm y tế và đội ngũ y tế thôn bản đã tăng cường công tác truyền thông tới từng hộ gia đình, vận động cha mẹ, ông bà những người chăm sóc trẻ thực hiện tô mầu bát bột, tăng gia sản xuất, kết hợp mô hình VAC để có nguồn thực phẩm phong phú cung cấp cho trẻ. Mưa dầm thấm lâu, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ ngày một giảm dần, năm 2016 còn 21,2%, năm 2017 giảm xuống còn 13,2%. Đây vẫn là tỷ lệ cao so với tỷ lệ chung của tỉnh nhưng là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị xã Cẩm Thạch nói chung và của đội ngũ cán bộ Y tế xã Cẩm Thạch nói riêng, trong đó có cá nhân trạm trưởng Trần Hữu Lộc.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên.
Bs. Trần Huy Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên cho biết: Nhiều năm nay trạm Y tế xã Cẩm Thạch là một trong những trạm điển hình của huyện Cẩm Xuyên. Trạm có đầy đủ trang thiết bị, chất lượng chuyên môn cao; đặc biệt có sự thống nhất cao trong công tác quản lý, điều hành; tham mưu tích cực cho lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Kết quả đó thể hiện rõ vai trò đứng đầu của người trạm trưởng trong công tác quản lý điều hành, không ngại khó, ngại khổ, tích cực học tập nâng cao trình độ và có nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương. Với những nỗ lực đó Trạm y tế xã Cẩm Thạch và bản thân trạm trưởng Trần Hữu Lộc đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành và đặc biệt được người dân địa phương ghi nhận.
Khó khăn vẫn còn nhiều, nhất là đối với một trạm y tế miền núi như xã Cẩm Thạch nhưng khi được hỏi về những dự định, kế hoạch thời gian tới trạm trưởng Trần Hữu Lộc vẫn say sưa cho biết: thời gian tới để đổi mới, phát triển trạm y tế theo tinh thần Đề án phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới của Thủ tướng Chính Phủ và đổi mới y tế cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trạm Y tế xã Cẩm Thạch sẽ tiếp tục đoàn kết, đổi mới; thay đổi phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, thân thiện với môi trường đáp ứng sự hài lòng của người dân. Để làm được điều đó bản thân anh sẽ phải đổi mới toàn diện trong cách nghĩ, cách làm, phải không ngừng học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Tin tưởng rằng với niềm đam mê và tình yêu nghề tha thiết, trạm trưởng Trần Hữu Lộc sẽ tiếp tục cùng với tập thể cán bộ trạm Y tế xã Cẩm Thạch giữ vững mối đoàn kết nội bộ, xây dựng Trạm y tế Cẩm Thạch trở thành lá cờ đầu của huyện và toàn tỉnh.
Thu Hòa ( Sở y tế Hà Tĩnh )