Sáng ngày 3 tháng 1 năm 2017, tại hồ Kẽ Gỗ, Giáo hội phật giáo Tỉnh Hà Tĩnh và Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi.
Sáng ngày 3 tháng 1 năm 2017, tại hồ Kẽ Gỗ, Giáo hội phật giáo Tỉnh Hà Tĩnh và Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi.
Dự lễ có đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; đồng chí Phan Cao Thanh - UVBTV, Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Đặng Quốc Vinh - UVBTV, Phó chủ tịch UBND Tỉnh. Ở huyện có các đồng chí Đặng Quốc Cương - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hà Văn Bình - Phó bí thư thường trực huyện ủy; đồng chí Phạm Đăng Nhật - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí UVBTV huyện ủy; đại diện các ban, ngành, cấp huyện; các nhân chứng từng tham gia mở đường 22 và xây dựng sân bay LiBi; Ban trị sự giáo hội Phật giáo Tỉnh Hà Tĩnh; các tăng ni, phật tử.
Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi
Đường 22 là tuyến đường chiến lược được mở vào cuối năm 1966, đường có điểm bắt đầu tư km 18 = 600 tại ngã ba Thình Thình, nay thuộc xã Thạch Điền, rồi chạy qua các xã Kỳ Tây, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc sau đó kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, Tỉnh Quảng Bình. Lực lượng tham gia mở đường gồm có hàng ngàn lượt thanh niên xung phong ở các Tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng... Gần 10 năm từ khi mở đường cho đến kết thúc chiến tranh, trên tuyến đường 22 dài 65 km đã có hàng trăm bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh. Với sự hy sinh anh dũng của bộ đội, thanh niên xung phong, tuyến đường 22 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần to lớn để vận chuyển quân lương cho chiến trường miền Nam trong suốt những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ. Còn sân bay dã chiến LiBi được khởi công xây dựng từ ngày 30 tháng 9 năm 1972, đến khoảng cuối năm 1972 thì sân bay đã cơ bản hoàn thành, nhưng bị đế quốc Mỹ phát hiện nên dùng B52 đánh phá ác liệt, đã làm cho nhiều công nhân, bộ đội hy sinh.
Trong những năm qua, việc tìm kiếm, cất bốc các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi đã được Bộ CHQS Tỉnh, Ban CHQS huyện tiến hành, tuy nhiên do xây dựng công trình đại thủy nông Kẽ Gỗ, nên hiện nay đang có nhiều hài cốt các liệt sỹ chưa được tìm thấy, tên tuổi các anh chị đã hòa quyện cùng mây trời, sông núi.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi, được sự tài trợ kinh phí của Tập đoàn Vingroup. Lễ cầu siêu được tổ chức nhằm cầu mong cho hương linh các anh hùng liệt sỹ được siêu thoát, cầu cho quốc thái, dân an, đồng thời cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc.
* Một số hình ảnh tại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ hy sinh tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi:
Lễ phóng sinh tại đại lễ cầu siêu
Hồng Phượng - Minh Sơn