Xuân Canh Ngọ, 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện tạo bước ngoặt cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh…
Xuân Canh Ngọ, 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện tạo bước ngoặt cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh…
Cuộc họp lịch sử ở bến đò Thượng Trụ
Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng, vì thế, trên mảnh đất này, các tổ chức cách mạng sớm ra đời. Cuối năm 1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh đã được thành lập do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh, sau đó phát triển ở nhiều địa phương khác như Phù Việt (Thạch Hà), Hà Linh (Hương Khê), Sơn Thịnh (Hương Sơn)...
Từ những năm 1930, Thạch Hà đã có chi bộ Đảng được thành lập ở xã Phù Việt
Cùng với đó, từ đầu năm 1930, ở huyện Can Lộc cũng lần lượt ra đời 7 chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Như vậy, vào thời gian này, ở Hà Tĩnh song song tồn tại 2 tổ chức cộng sản độc lập với nhau.
Giữa lúc các tổ chức cộng sản đang tiếp tục được xây dựng thì ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã họp và quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện tạo bước ngoặt cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thúc đẩy việc xây dựng tổ chức và phát triển lực lượng cộng sản ở Hà Tĩnh.
Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều (Nguyễn Trung Thiên) đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Để đảm bảo bí mật, hội nghị được tiến hành trên một con đò nhỏ tại bến đò Thượng Trụ ở xã Thiên Lộc (Can Lộc). Tham gia có các đại biểu của các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở, thống nhất tên gọi chung cho tất cả các cơ sở đảng đã xây dựng là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, chủ trương tiếp tục xây dựng mạnh mẽ các tổ chức quần chúng, trước hết là Nông hội đỏ, nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng các tầng lớp nhân dân. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh do đồng chí Nguyễn Trung Thiên làm Bí thư.
Với kết quả đó, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Đảng bộ tỉnh. Từ đây, trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến để giành lại độc lập và tự do cho dân tộc, nhân dân Hà Tĩnh đã có sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp bộ thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam.
Can Lộc - Quê hương Xô Viết ngày càng đổi mới
Những tấm gương vì nước - vì dân
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước đang bị bọn đế quốc và phong kiến thống trị với chế độ hà khắc, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Cũng như trên phạm vi cả nước, Đảng bộ Hà Tĩnh ngay từ buổi đầu thành lập đã tập hợp được những người con ưu tú cùng chung mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là lý tưởng cách mạng chân chính theo chủ nghĩa Mác - Lê nin mà mỗi đảng viên của Đảng đã kiên trì theo đuổi, đã không sợ máu chảy đầu rơi, bền bỉ giáo dục, tập hợp, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đồng tâm hiệp lực biến lý tưởng thiêng liêng ấy thành hiện thực cuộc sống.
Kết nạp đảng viên học sinh ở Đảng bộ Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Ảnh: P.V.
Sự vĩ đại của Đảng được quyết định ở việc làm, ở hành động cách mạng của mỗi đảng viên, ở sự hy sinh ngoan cường của họ vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc. Năm tháng trôi qua, nhưng tấm gương những chiến sĩ cộng sản tiền bối đã đấu tranh bất khuất trước kẻ thù, trung thành với Đảng, chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân mãi mãi vẫn lưu truyền. Từ những đồng chí lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Thiên, Nguyễn Thiếp đến lãnh đạo các Huyện ủy như Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên), Nguyễn Trọng Bình (Kỳ Anh) và những đảng viên ở cơ sở như Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên, Bùi Quang Tào, Lê Duy Đại…
Không chỉ có nam giới mà các nữ đảng viên cộng sản, trong cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù, cũng tỏ rõ khí phách oanh liệt của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, tiêu biểu như các đảng viên Trần Thị Hường (thị xã Hà Tĩnh), Bùi Thị Châu (Thạch Hà), Phạm Thị Dung (Can Lộc) v.v…
Trong hồi ký của mình, nữ đảng viên Bùi Thị Châu thích nhất lời nói của đồng chí Nguyễn Trung Thiên: “Làm cách mạng không sợ chết, sợ chết thì không làm được, giao việc gì phải làm đến nơi đến chốn, làm qua chuyện là không được. Làm cách mạng là thay cũ đổi mới, cái gì trái mắt phải thay đổi hết, phụ nữ phải làm được như nam giới, hãy noi theo Bà Triệu, Bà Trưng”. Thật đúng như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên đã nói, các đảng viên cộng sản tiền bối của Đảng bộ Hà Tĩnh đã “không sợ chết” trước họng súng hay trong ngục tối của kẻ thù, bởi họ hiểu rằng, cái chết của mình sẽ gieo mầm cho sự sống, cho sự hồi sinh của đất nước, của nhân dân. Chính vì vậy, cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội…
87 năm đã qua kể từ mùa xuân năm Canh Ngọ, đánh dấu mốc son chói lọi: Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp đó Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời. Từ chỗ chỉ có gần 400 đảng viên khi mới thành lập, đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có trên 91.000 đảng viên. Trải qua gần 9 thập kỷ hình thành và phát triển, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân lập nên nhiều thành tích đáng tự hào.
Để có được thành quả như hôm nay, lớp lớp đảng viên cộng sản đã phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi. Bến đò Thượng Trụ năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tấm gương của những chiến sĩ cách mạng tiền bối tận trung với Đảng, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi…