Hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh đã được toàn dân đón nhận, hưởng ứng tịch cực và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo thế và lực mới để địa phương vươn lên.

     Hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh đã được toàn dân đón nhận, hưởng ứng tịch cực và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo thế và lực mới để địa phương vươn lên.

    Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã ra Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT ngày 12/4/2000 về việc ban hành kế hoạch triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó đến nay, phong trào đã được toàn dân đón nhận, hưởng ứng thực hiện với một sức lan tỏa mạnh mẽ, mang tính xã hội toàn diện và sâu sắc.

    Có thể nói, với 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành một nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Qua 15 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, nhiều mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu được xây dựng, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thuần phong, mỹ tục được gìn giữ và phát huy chuyển tải nhiều thông điệp về tình thân ái, giá trị nhân văn và tinh thần hướng tới các giá trị tốt đẹp. Nhiều điển hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã có sức lan tỏa lớn, tạo được hình ảnh đẹp về sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

xay dung doi song van hoa tao nen tang phat trien kt xh

Cùng với việc phát triển các phong trào văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được các địa phương bảo tồn và phát huy

    Điều đó khẳng định, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vừa phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Phong trào đã thực sự phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phát huy tích cực các giá trị tốt đẹp, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu, tạo lập được nền nếp sinh hoạt văn hóa trong thôn xóm và sự ổn định trong cuộc sống cộng đồng, những tập quán tốt đẹp được củng cố, an ninh trật tự được bảo đảm, kinh tế phát triển vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng được xây dựng và củng cố; phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, mang lại sự thuận tiện trong sinh hoạt, no ấm, hạnh phúc trong nhân dân.

    Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình trên các lĩnh vực, được các cấp chính quyền và nhân dân tôn vinh. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt như giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, dũng cảm cứu người gặp nạn, hiến đất, hiến cây, đóng góp ủng hộ tiền của xây dựng các công trình công cộng, tạo việc làm cho người lao động... Nhiều gia đình văn hóa ở các huyện, thành phố, thị xã đã trở thành điểm sáng, có tác động mạnh mẽ, góp phần to lớn vào các phong trào khác như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

     Các khu dân cư văn hóa phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng lành mạnh, phong phú. Việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, vừa đảm bảo văn minh, tiết kiệm, đồng thời, vẫn giữ được bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các cộng đồng dân cư… Đến nay, toàn tỉnh có 79,64% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 64,86% thôn, tổ dân phố văn hóa; 31,1% người dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên… Kết quả trên của phong trào là sự lan tỏa của nhiều giá trị, chuyển tải nhiều thông điệp về tình thân ái, giá trị nhân văn và tinh thần hướng tới các giá trị tốt đẹp.

xay dung doi song van hoa tao nen tang phat trien kt xh

Phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có dân ca ví,
giặm Nghệ Tĩnh là góp phần gìn giữ di sản của cha ông. Ảnh: Ninh Hà
 

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào còn có những hạn chế, khiếm khuyết mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, khắc phục, sửa chữa, đó là: Việc triển khai và thực hiện phong trào ở một số nơi, một số nội dung còn mang tính hình thức, thiếu tính hiệu quả. Việc tổ chức cưới, tang và lễ hội ở một số địa phương vẫn còn tình trạng phô trương, lãng phí, gây phản cảm. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, vấn đề đạo đức, lối sống, nếp sống trong một bộ phận có những biểu hiện xuống cấp, đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Chất lượng xây dựng các danh hiệu: gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa chưa đồng đều giữa các vùng, miền, chưa phát huy hết yếu tố tích cực và kết quả chưa thực sự bền vững. Tại một số địa phương, đơn vị, phong trào có chiều hướng chững lại, thậm chí, có biểu hiện đi xuống. Không ít gia đình tuy được công nhận là gia đình văn hóa, nhưng chưa phát huy được các yếu tố văn hóa và nội lực của bản thân trong cuộc sống. Một số thôn, tổ dân phố tuy được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, nhưng chưa thực sự là điểm sáng để các địa phương khác học tập.

    Từ những hạn chế nói trên, để phong trào tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, thực sự có chiều sâu trong giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo phong trào các cấp cần phải quan tâm, nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 35, Kết luận số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang”, Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

xay dung doi song van hoa tao nen tang phat trien kt xhLiên hoan CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức tại TX. Hồng Lĩnh từ ngày 19-21/8/2016
 

   Thứ hai: Xây dựng lồng ghép việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của các địa phương, nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của các ngành, đoàn thể. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của phong trào và phải vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành. Kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; khắc phục sự cố môi trường biển; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Mộc bản Trường học Phúc Giang…) đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

   Thứ ba: Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc công nhận các danh hiệu văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn cơ sở trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa.

   Thứ tư: Rà soát các mô hình của phong trào để phát huy, nhân rộng mô hình tốt, xem xét lại và có giải pháp khắc phục đối với những mô hình bị trùng lặp, không còn hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phong trào, nhất là xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.

   Thứ năm: Đổi mới từ tư duy đến hành động để phong trào theo kịp với sự phát triển của đời sống xã hội. Định kỳ tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm chỉ đạo sát thực. Kịp thời biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc ở mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể, tạo động lực để phát triển.

    Tin tưởng rằng, với truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh ta sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, bền vững, góp phần tạo thế và lực mới để Hà Tĩnh vươn lên giàu mạnh, văn minh.

Đặng Quốc Vinh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh

Theo:Baohatinh.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 256.161
Trong năm: 152.401
Trong tháng: 47.122
Trong tuần: 15.789
Trong ngày: 2.087
Online: 163