Mỗi lần nghe bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” là ánh mắt ông Đào Văn Tinh lại long lanh, trái tim ông như sống dậy một thời cùng đồng đội thanh niên xung phong (TNXP) thuở ấy. Sau cái xuýt xoa về tài hoa của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, ông Tinh thốt lên: “Kẻ Gỗ lúc tôi “cầm quân” còn hoang dã lắm”.
Mỗi lần nghe bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” là ánh mắt ông Đào Văn Tinh lại long lanh, trái tim ông như sống dậy một thời cùng đồng đội thanh niên xung phong (TNXP) thuở ấy. Sau cái xuýt xoa về tài hoa của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, ông Tinh thốt lên: “Kẻ Gỗ lúc tôi “cầm quân” còn hoang dã lắm”.
Đối mặt với voi rừng
“Hồi ấy, mình là Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tham gia làm “mũi đột phá” trên công trường này. Hàng trăm TNXP quần áo còn vương khói bom và bụi đỏ chiến trường, đụng đến thứ gì cũng thiếu, nhưng có một thứ không thiếu đó là tình yêu thương con người”. Ông hào hứng kể, giọng hào sảng, trí nhớ mẫn tiệp khiến tôi có cảm giác như được ông dắt vào trong đại ngàn ký ức.
|
Hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Sỹ Ngọ
|
Thời điểm 1975-1976, cả khu vực Kẻ Gỗ, đồi núi trập trùng, sương mù dày đặc, mù mịt, đêm đêm chỉ nghe tiếng hoẵng kêu, bốn phía không một ánh đèn... Những đêm trời đầy trăng sao, bò tót, khỉ, hươu, nai, chồn, sóc thường ra hồ “nhảy múa”. Các loài thú khá thuần tính, duy chỉ đàn voi hay giở chứng “nghiện” ăn hoa màu nên bao nhiêu sắn, ngô, khoai, lạc, người dân Cẩm Duệ trồng, chúng đều thi nhau chén sạch hoặc giẫm nát.
Đặt chân tới vùng đất Kẻ Gỗ, ông Đào Văn Tinh nhớ nhập tâm lời khuyên và kinh nghiệm của người dân: nếu tấn công bằng giáo mác, gậy gộc sẽ rất nguy hiểm vì voi quyết liệt “trả thù”. Khoảng 10 ngày sau, một đêm trời quang, mây tạnh, đàn voi đột ngột xuất hiện. Dưới ánh trăng khuya lúc mờ, lúc tỏ, từ xa, ông Tinh quan sát thấy đàn voi khoảng 7 con nối đuôi nhau tiến về phía mình.
Khi nghe tiếng voi đi thình thịch, mỗi lúc một gần lán trại, ông Tinh huýt còi thức cả đơn vị dậy và nói: “Voi chuẩn bị vô lán chúng ta. Tôi yêu cầu các đồng chí hết sức bình tĩnh, đưa ngay bó rành rành ra đốt”. Lập tức, cả 7 lán trại với hàng trăm người dàn hàng ngang, đốt lửa rành rành. Từng bó lửa dập dờn, chao lên, lượn xuống, sáng rực cả một khu đồi. Bỗng con voi đầu đàn ngẩng cao đầu, giương cái vòi dài ngoẵng lên như muốn trút hết nước từ trong bụng để dập lửa. Nhưng không! Chẳng có một giọt nước nào từ vòi voi, chiếc vòi khủng ấy tiếp tục khởi động rồi ngoạm một cây bứa dại to như cột nhà, tán lá sum suê. Nhanh như cắt, nó nhấc bổng cả thân và chùm rễ cây bứa lên rồi nghiền nát. Mấy phút sau, cả đàn xúm lại ăn lá. Ăn xong, con voi đầu đàn lại kêu rống lên, ra hiệu tất cả quay về rừng. Đàn voi đi rồi, anh em thở phào nhẹ nhõm, quay về ngủ, nhưng ông Tinh và 3 cậu bảo vệ vẫn thức trắng đêm để canh gác.
“Khổ rứa mà ai cũng vui”
Đang say sưa kể chuyện, bỗng ông Đào Văn Tinh ngắt mạch, lục trong tủ đưa tôi xem một tấm ảnh đen trắng đã ố vàng nhưng nước ảnh chưa hề phai, người đứng, người ngồi, ai cũng nở nụ cười tươi rói. Những thanh niên 21, 22 tuổi, căng đầy sức sống. Tôi đùa vui:
- Khổ rứa mà thấy ai cũng đẹp bác hè.
Ông Tinh cười:
- Chú xem, tui đã chọn đội hình thì có ai xấu mô, họ đẹp cả người, cả tư tưởng.
Ông Tinh diễn giải thêm:
- Người ở đây đẹp là nhờ ăn rau tàu bay với cá dưới suối, còn việc làm cho tư tưởng họ đẹp lên là cả một quá trình. Thú thật, trời phú cho cái duyên làm thơ, dẫn chuyện nên mình phải biết phát huy. Tất nhiên, “nói đi đôi với làm”, thủ trưởng gương mẫu thì họ mới tâm phục, khẩu phục.
Hồi học phổ thông, ông Tinh tâm đắc 2 câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Ôi! Từ không tới có. Xảy ra như thế nào?”. Khi đứng trước núi công việc, là thủ lĩnh chỉ huy đội quân hàng trăm người để “biến không thành có”, biến ước mơ thành hiện thực, ông trở thành “nhà toán học”, giải mã những ẩn số gian nan, phức tạp nhất.
Gần 2 tháng ròng rã, ông Tinh kiên trì thuyết phục và đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh từng người mới khơi thông được mạch nguồn tư tưởng các nữ TNXP với lý do: họ đã từng vào sinh, ra tử, lẽ ra, sau khi hoàn thành nghĩa vụ phải được dự thi trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc về quê sản xuất, thu xếp chuyện chồng con. Cống hiến thêm vài năm nữa, đồng nghĩa với việc họ tiếp tục hy sinh tuổi xuân. Không ít cô đã trùm chăn, úp mặt vào phên nứa khóc thầm khi xốn xang nghĩ về cha mẹ, nghĩ về tương lai. Bằng tình yêu thương, ông Tinh luôn gần gũi, chia sẻ, cảm thông với mọi người. Đã không ít lần ông nói: “Thú thực, ai cũng muốn bước vào cổng trường đại học, nhưng người dân quê mình còn nghèo đói quá, xây được hồ Kẻ Gỗ, có gạo thơm, cơm dẻo, đời sống khá lên, chúng ta tiếp tục học lên cũng chưa muộn”.
Ngày nào thấy anh em vui vẻ thì dầu ăn cơm độn bo bo hay sắn lát, ông vẫn cảm thấy ngon; bữa ăn mô nhìn trong đơn vị có người mặt ỉu xìu, bữa đó, ông mất vui. Sống gần rừng dễ bị sốt rét, chính vì vậy, bao giờ trước khi đi ngủ, ông cũng cử bộ phận trực ban đi kiểm tra chăn màn của từng phòng, từng lán. Ông dặn mọi người phải uống nước nhà bếp đun sôi, dù khát, tuyệt đối không được uống nước suối. Có ai bị ốm, ông gọi y sĩ đến theo dõi và cấp phát thuốc ngay. Nhờ thế, từ những ngày đầu “cắm quân”, cho đến lúc xây xong công trình hồ Kẻ Gỗ, đội quân TNXP của ông Đào Văn Tinh chẳng ai bị sốt.
Ôn lại chuyện cũ, ông Tinh vẫn cảm thấy rùng mình. Hôm đó, ông cùng 50 người vào rừng chặt giang để đan rổ, đan sọt gánh đất trên công trường, do say sưa tìm kiếm khóm giang già, nhẵn để chặt, ông chẳng để ý gì đến sên vắt. Lúc về tới lán, vừa mở cửa lấy áo quần để thay thì cậu Quang kêu toáng lên:
- Thủ trưởng làm sao mà nách trái máu chảy đỏ bầm thế?
Ông Tinh giật nẩy người, cởi chiếc áo ra, 3 con sên xanh lè, dầu hút máu đã no nhưng vẫn cố cắn chặt vào nách ông. Ông nhờ cậu Quang lấy nhíp nhổ râu kẹp chặt đầu sên lôi ra và gọi cô y tá đến bôi thuốc sát thương. Một hôm khác, ông Tinh phân công anh Cương làm tổ trưởng một nhóm 5 người vào tìm mây soong đưa về làm gióng. Anh Cương đang cố sức rút một cây mây dài sau khi đã chặt gốc, bỗng nghe tiếng phù phù phía sau lưng. Ngoảnh lại, thấy một con rắn hổ mang to, dài đang giương đôi mắt giận dữ hướng vào anh. Nhanh như cắt, anh cầm lưỡi mác sắc nhọn phang trúng đầu rắn làm nó rơi phịch ngay dưới chân trước sự kinh ngạc của mọi người. Cương và anh em khiêng rắn hổ mang về làm được bữa cải thiện.
Ăn rau tàu bay vẫn chan chứa hồn thơ
Ông Đào Văn Tinh tặng tôi tập thơ “Giọt nước”, được in khá công phu và trang bìa in hình tháp nước hồ Kẻ Gỗ. Tôi chưa biết ông chung thủy với nghề đến đâu, chỉ biết, mỗi bài thơ là một niềm tâm tư mà ông đã ký thác phần hồn của mình vào đây.
Ăn chung mâm nằm cùng chung phản
Thiếu áo quần bạn cho mượn thay
Thư nhà gửi đến chuyền tay
Cùng chung nhau đọc cùng say trận cười.
Tôi hỏi ông:
- Lo quán xuyến công việc, anh có thời gian đâu để làm thơ?
- Làm thơ do cảm xúc tự trào trong giây lát. Nhờ yêu thơ, yêu văn nghệ nên tôi xốc cả đội hình lên, họ biết làm báo tường, biết múa hát tập thể. Tôi khẳng định rằng: ở đâu có TNXP là ở đấy có thơ ca và tiếng hát. Ông còn khoe: Mình khỏe khoắn và minh mẫn được như hôm nay có lẽ nhờ rèn được nắng gió trên công trường Kẻ Gỗ 4 thập kỷ trước, ăn nhiều rau tàu bay và cá khe.
Ông Tinh gật gù: Rau tàu bay khi đã ăn quen thì ngon lắm và cá khe Kẻ Gỗ vừa ngon, sạch, lại bổ. Hồi ấy, anh em có lúc bắt được cả gánh cá tươi. Có những con cá chép nặng hơn 3 cân. Hạnh phúc ở nơi hoang dã là như vậy đấy. Từ ngọn rau tàu bay và những con cá ấy, cả đoàn quân chúng tôi lại hăm hở lên công trường đào đất, đẩy xe, khiêng đá... để làm nên kỳ tích hồ Kẻ Gỗ - “Biển Tây” xanh dào dạt hôm nay.
Phan Thế Cải
Theo: Phan Thế Cải
Baohatinh.vn