Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng...

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng...

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, năm 1923, thầy giáo trẻ Hà Huy Tập bước vào nghề dạy học ở Nha Trang (Khánh Hòa). Cuối năm 1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước, tiền thân của Hội Hưng Nam, Tân Việt cách mạng Đảng sau này. Vì tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong giáo viên, học sinh và luôn đấu tranh chống lại những quyết định tùy tiện, độc đoán của nhà trường, giữa năm 1926, đồng chí bị trục xuất khỏi Nha Trang.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên). Ảnh: Hương Thành

Tháng 8/1926, đồng chí Hà Huy Tập về Vinh dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, được Hội Hưng Nam giao nhiệm vụ tổ chức các lớp học buổi tối cho công nhân ở Vinh - Bến Thủy, lập ra tổ chức “Thanh niên học sinh cách mạng” trong trường tiểu học và tuyên truyền cách mạng trong nông dân. Đầu năm 1927, Hội Việt Nam cách mạng Đảng nhận thấy đồng chí là người có khả năng tổ chức và vận động quần chúng nên đã cử vào Nam kỳ hoạt động. Tại đây, đồng chí đã hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau như: trường học, đồn điền, sở hỏa xa, mở lớp huấn luyện… Những hoạt động đó đã góp phần mở rộng ảnh hưởng của Tân Việt ở Nam kỳ.

Cuối năm 1928, nhân xảy ra vụ án đường Bác-bi-ê (Sài Gòn), cảnh sát Nam kỳ tổ chức vây ráp, lùng bắt những người cách mạng. Trước tình hình ấy, tổ chức Tân Việt đã tìm cách đưa Hà Huy Tập tạm lánh sang Trung Quốc. Được tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và lãnh sự quán Liên Xô tại Trung Quốc giúp đỡ và giới thiệu, Hà Huy Tập sang học tập ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), khóa 1929-1932.

Vừa học lý luận, đồng chí vừa đi thực tập, học nghề ở nhà máy, thâm nhập thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô. Kết thúc khóa học, đồng chí tìm cách trở về hoạt động trong nước, nhưng hành trình về nước khá gian nan, kéo dài do sự kiểm soát, truy lùng của mật thám quốc tế. Thời gian này, cách mạng trong nước đang bị kẻ thù khủng bố gắt gao, chịu tổn thất nặng nề, bộ máy Đảng bị phá vỡ, đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và nhiều chiến sĩ cộng sản bị cầm tù, hãm hại, phong trào tạm thời lắng xuống. Đầu tháng 8/1933, các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… gặp nhau ở Quảng Châu họp bàn quyết định triệu tập một hội nghị Đảng để thành lập ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, làm nhiệm vụ khâu nối và khôi phục các tổ chức trong nước. Tại hội nghị đó, đồng chí Hà Huy Tập được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích (sau chuyển thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương). Vì đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản nên công việc chuẩn bị Đại hội I của Đảng do đồng chí Hà Huy Tập cùng các đồng chí còn lại gánh vác.

Tháng 3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Hà Huy Tập đã chủ trì Đại hội lần thứ I của Đảng. Đại hội đã bầu BCH T.Ư và Ban Thường vụ do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (tức Tổng Bí thư), đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Nhưng BCH T.Ư do Đại hội I bầu không tồn tại được lâu, chỉ 1 năm sau, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ T.Ư Đảng đang hoạt động trong nước đã bị địch bắt. Cuối tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì hội nghị của BCH T.Ư. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại BCH T.Ư mới và khôi phục mối liên lạc với các tổ chức đảng ở trong nước. Đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư của Đảng từ giữa năm 1936.

Tháng 8/1936, Tổng Bí thư Hà Huy Tập rời Trung Quốc về nước, khôi phục tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng. Nắm bắt những thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, đồng chí đã tích cực hoạt động trong phong trào quần chúng, khôi phục và bắt liên lạc với các tổ chức đảng trong nước, thành lập lại BCH T.Ư Đảng. Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng BCH T.Ư nắm bắt kịp thời tình hình trong nước và quốc tế, giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng nước ta trong thời kỳ này. Đây là yếu tố quyết định tạo nên phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ, phong phú ở nước ta những năm 1937-1938, một cuộc tập dượt lớn của Đảng ta trong việc vận động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh, tạo cơ sở quan trọng đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo và rất quan tâm đến tổng kết kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng việc chỉ đạo cho các vấn đề hiện tại.

Tháng 5/1938, trên đường đi công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt. Chính quyền thực dân phạt đồng chí 8 tháng tù và 5 năm quản thúc. Hết hạn tù, đồng chí bị đưa về quản thúc tại Hà Tĩnh. Ngày 30/3/1940, đồng chí bị bắt và bị buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Sự tàn bạo của kẻ thù không thể khuất phục ý chí kiên cường của người cộng sản. Trước tòa, nêu cao khí tiết của người cách mạng, đồng chí khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”. Đồng chí bị tòa án thực dân tuyên án tử hình cùng với Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… Ngày 28/8/1941, cùng với các lãnh tụ cách mạng khác, đồng chí đã anh dũng hy sinh dưới họng súng của kẻ thù.

35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi tưởng nhớ và tự hào về đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người con ưu tú của dân tộc.

Theo: Tuấn Vũ
Baohatinh.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 262.954
Trong năm: 159.174
Trong tháng: 44.577
Trong tuần: 5.076
Trong ngày: 151
Online: 28