Cẩm Xuyên - quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập đang từng ngày thay đổi diện mạo. Một miền quê nông thôn mới "Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển. Xanh trời, xanh cả những giấc mơ". Giấc mơ ấy phải chăng là tâm nguyện, là niềm tin mà anh gửi gắm. Bức tranh quê rực rỡ được tỏa rạng từ ánh hào quang người con trung hiếu.
Cẩm Xuyên - quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập đang từng ngày thay đổi diện mạo. Một miền quê nông thôn mới "Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển. Xanh trời, xanh cả những giấc mơ". Giấc mơ ấy phải chăng là tâm nguyện, là niềm tin mà anh gửi gắm. Bức tranh quê rực rỡ được tỏa rạng từ ánh hào quang người con trung hiếu.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên
tham quan Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập và nghe giới thiệu
truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Ảnh: Mạnh Hà
Thăm lại vườn xưa, mái nhà tranh
Cương ơi! Sau khi tôi mất rồi, gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà buồn, trái lại, xem tôi như là người còn sống nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi. Lời dặn dò trong bức thư cuối cùng của Hà Huy Tập với người em rể trước khi ra pháp trường xử bắn cứ neo vào tâm khảm từng thế hệ. Anh đang còn đi vắng nhưng bóng hình anh vẫn hiện hữu với thôn Kim Nặc hôm nay. Hiện hữu một người cộng sản với đôi mắt sáng như ánh pha lê, giàu bản lĩnh, đầy trí tuệ và niềm tin bất diệt.
Sáng nay, trong tiết thanh minh tháng ba, chúng tôi về thăm lại chốn xưa, nơi gia đình, gia tộc và quê hương đã sinh ra Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Đất cũ làng Kim Nặc vẫn còn đây. Mảnh vườn xưa sum suê bóng mát, đào chưa phai sắc thắm, bưởi đã bung hoa trắng cành. Tiếng chim chích chòe thánh thót, rót vào không gian tĩnh lặng như nhắc lại ký ức ngày thơ ấu của Người. Nhìn lên bức tượng, tôi hiểu thêm về “cõi thiêng” này. Cụ thân sinh Hà Huy Tương tuy đậu cử nhân nhưng không cầu vinh danh, phú quý, thấu hiểu sự nhơ nhuốc chốn quan trường triều đại thực dân phong kiến nên ông không chịu ra làm quan, trọn đời ở làng, vừa dạy chữ cho dân, vừa bốc thuốc cứu người. Thân mẫu Nguyễn Thị Lộc, cả một đời chăm sóc chồng con, hết mực giúp đỡ bà con, cô bác vượt qua hoàn cảnh đói khổ, rủi ro. Tâm hồn người cộng sản đã được bồi đắp, nuôi dưỡng bằng công cha, nghĩa mẹ, bằng củ khoai, hạt lúa chân chất, mộc mạc, thấm đẫm giọt mồ hôi lam lũ bao đời.
Khu nhà tranh đơn sơ, bình dị, nay nằm trong Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, trở thành “cánh cửa rộng mở” cho muôn ngàn du khách trong nước và nước ngoài tới viếng thăm. Ngôi nhà tranh 3 gian, 2 hồi được người thân trong gia đình và dòng họ chăm nom, gìn giữ. Tại đây, ngày 24/4/1906, Hà Huy Tập đã cất tiếng khóc chào đời...
Cô hướng dẫn viên trẻ dẫn chúng tôi thăm từng kỷ vật, từ chiếc cối xay thóc, giã gạo, sập đựng thóc, tràng kỷ tre… Mỗi vật dụng đều lung linh những dòng ký ức, mở ra cuộc hành trình cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, viết nên trang sử vàng oanh liệt. Qua sự dày công sưu tầm, đến nay, phòng trưng bày hiện vật đã có gần 100 bức ảnh, đồ dùng cá nhân. Tôi thấy rõ những đồ dùng cá nhân, cặp sách thuở trước anh từng đi học. Đặc biệt là “cẩm nang” vô giá - những cuốn sách lý luận chính trị, những bài báo kêu gọi đấu tranh. Dấn thân vào cuộc cách mạng để đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến tay sai, Hà Huy Tập đã nhiều lần bị địch bắt giam và đánh đập dã man. Cô hướng dẫn viên không nén nổi xúc động nhắc lại câu chuyện anh bị bắt tại chính ngôi nhà này... Hôm ấy, anh mặc áo sơ mi trắng cộc tay, quần soóc trắng. Trước khi ra khỏi làng, anh đưa tay vẫy dân làng, rồi bảo: “Chào bà con ở lại, tôi đi lần này chắc không về nữa đâu”.
|
Cẩm Xuyên đánh thức tiềm năng du lịch biển. Ảnh: Hương Thành
|
Gió mới làng Kim Nặc
Thôn Kim Nặc (Cẩm Hưng) trước đây cũng đói nghèo, ảm đạm như bao làng mạc trên đất Cẩm Xuyên. Người dân mòn mỏi “trông trời, trông đất, trông mây” nhưng thất vọng vì bốn bề đồng khô, cỏ cháy. Làng anh đã “lột xác” khi toàn dân hướng theo lá cờ Đảng, khi cách mạng ăn sâu vào mỗi tế bào. Sáng nay, tôi đứng trên con đường liên thôn rải nhựa, náo nức âm thanh xe cộ, đủng đỉnh những đàn trâu đen mượt, những con bò béo múp mới thấy sức sống đang trỗi dậy. Vẫn những con cò trắng muốt trong ca dao, chao nghiêng trên cánh đồng xanh bát ngát. Cẩm Hưng đang thực hiện xanh hóa vườn nhà, xanh hóa đồi cây, xanh hóa ruộng đồng. Màu xanh càng tươi tắn, gương mặt mọi người càng rạng rỡ, tự tin.
Chị Đậu Thị Sương - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng tâm sự: “Người dân Cẩm Hưng bây giờ đã xóa được tư tưởng bảo thủ, tự ti. Bằng cơ chế khuyến khích, tạo quỹ đất để người có khả năng phát triển sản xuất hàng hóa, ưu đãi vốn vay cho người nghèo, mở rộng dịch vụ cung ứng để nông dân đủ điều kiện làm ăn, trên “thoáng”, dưới “thông”, Cẩm Hưng đã đẩy lùi được đói nghèo. Năng suất lúa và màu đều tăng. Dẫu thu nhập bình quân đầu người mới chỉ xấp xỉ 16 triệu đồng/năm nhưng đời sống các gia đình đều ổn định và phát triển”.
Cẩm Hưng đang bừng lên sức gió mới, sức gió của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, không hề tính toán thiệt hơn, bởi họ nhận thức được lợi ích cho mình, cho cả cộng đồng. Với hơn 9,2 km đường trục thôn, 10 km đường ngõ xóm được bê tông hóa, 7 km kênh mương cứng nội đồng, người dân đổ không biết bao nhiêu công sức, vốn liếng. Có hộ còn hiến cả ngàn m2 đất để xã làm đường. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện một số mô hình trang trại, gia trại làm ăn lớn. Gia đình chị Trần Thị Phi (thôn 6) mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp, tổ chức xây dựng hệ thống chăn nuôi quy mô hơn 1.000 con lợn thương phẩm. Mỗi mùa xuân về, Cẩm Hưng hồng thắm sắc đào, khách xa gần tới tìm mua. Hiện nay, Cẩm Hưng đã có hàng trăm hộ trồng đào với diện tích lên tới 152 ha.
Thế đứng Cẩm Xuyên
Trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Đặng Quốc Cương, chúng tôi càng thấy, để thành công, không có sức mạnh nào bằng khơi dậy sức dân, bằng những quyết sách ở tầm vĩ mô, bằng tư duy của cán bộ cơ sở biết “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hiểu được dân làm”, “cầm tay chỉ việc” cho dân. Những gì đang tồn tại kịp thời được bổ cứu, dân làm tốt, lấy đó làm bài học kinh nghiệm, nhân lên điển hình. Bên cạnh đó, có một đội ngũ cán bộ biết rèn đức, luyện tài, đặc biệt, không mắc bệnh quan liêu, sống xa dân, cũng góp phần tạo thế đứng cho Cẩm Xuyên.
Cẩm Xuyên có thế mạnh về đồng ruộng phì nhiêu, hệ thống thủy lợi khép kín từ thượng nguồn Kẻ Gỗ, đến sông Rác, Thượng Tuy, Bộc Nguyên, có điều kiện xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao. Với năng suất lúa bình quân 55 - 60 tạ/ha, sản lượng đạt 9-10 vạn tấn, Cẩm Xuyên đứng vào loại nhất, nhì tỉnh về sản xuất lúa. Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả huyện đã có 7 xã hoàn thành 19 tiêu chí.
Tận dụng được tiềm năng, lợi thế, Cẩm Xuyên ngày càng xuất hiện nhiều ông chủ trẻ làm kinh tế giỏi. Tính đến tháng 4/2016, cả huyện đã có 778 mô hình SXKD hiệu quả. Trong đó, có 168 mô hình lớn mỗi năm cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, 111 mô hình vừa doanh thu từ 500 - 900 triệu đồng, 473 mô hình nhỏ cho doanh thu từ 100 - 450 triệu đồng. Không ít sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa chủ lực, khẳng định được hướng phát triển mới của Cẩm Xuyên.
Quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong nhịp sống hôm nay chắc hẳn thỏa anh linh người con trung hiếu, khi mỗi thôn, mỗi làng nhìn đâu cũng phơi phới sức xuân, rực rỡ ánh hồng, khi mỗi người dân vừa biết làm kinh tế, vừa biết gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức. Nghĩa tình làng xóm thêm gắn bó, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy.
Ánh hào quang rạng rỡ đất quê hôm nay không chỉ là cây lúa trên đồng, con thuyền trên biển mà còn có cả hào quang văn hóa. Một vùng quê đang đẹp hơn lên về văn hóa giáo dục, văn hóa an ninh và môi trường, tạo thành khúc nhạc du dương trên con đường vươn tới ngày mai.
Theo: Phan Thế Cải
Baohatinh.vn