Xuân về giữa đất trời mênh mang vời vợi, trong làn gió xuân hanh hao, se lạnh, lòng ta lại bùi ngùi, tự hào và kiêu hãnh về một thời không thể lãng quên. Trong màu xanh tươi trẻ của mùa xuân đất nước càng tô thắm thêm tình yêu bất tử dành cho Đảng kính yêu và Bác Hồ vĩ đại…Dân tộc Việt Nam luôn ghi nhớ những chiến công hiển hách mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những mùa xuân lịch sử .
Xuân về giữa đất trời mênh mang vời vợi, trong làn gió xuân hanh hao, se lạnh, lòng ta lại bùi ngùi, tự hào và kiêu hãnh về một thời không thể lãng quên. Trong màu xanh tươi trẻ của mùa xuân đất nước càng tô thắm thêm tình yêu bất tử dành cho Đảng kính yêu và Bác Hồ vĩ đại…Dân tộc Việt Nam luôn ghi nhớ những chiến công hiển hách mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những mùa xuân lịch sử .
Mùa xuân 1930, sau gần hai mươi năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng – Trung Quốc. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo, chính thức xác lập con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam, gắn chặt cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho lịch sử dân tộc. Có thể nói mùa xuân 1930 là mùa xuân đầu tiên mà dấu ấn Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Mùa xuân năm 1941, sau ba mươi năm xa tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã trở lại với đất mẹ thân yêu, tổ quốc đón chào Người tại cột mốc số 108 thuộc xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Cũng mùa xuân ấy, nhà thơ Tố Hữu đã thay lời cho toàn Đảng, toàn dân ta nói lên nỗi lòng của mình:
“ Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về … im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…”
Từ đây, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, bắt đầu một quá trình chuẩn bị trên mọi lĩnh vực để sẵn sàng chớp thời cơ. Và sau đó, đón nhận một ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 lồng lộng cờ hoa giữa Ba Đình, Hà Nội.
Mùa xuân 1946, đây là mùa xuân đầu tiên đất nước được hưởng niềm vui độc lập. Đây cũng là thời điểm mà cách mạng nước nhà đang ở vào thế “Ngàn cân treo sợi tóc” với vô vàn những khó khăn, thử thách. Nhưng với tài năng lãnh đạo, bản lĩnh chính trị sắc bén, Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã đưa cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua mọi khó khăn, đẩy lùi được nạn giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm, tổ chức tổng tuyển cử trong phạm vi cả nước, ban hành hiến pháp. Đặc biệt là điều chỉnh được với các thế lực ngoại bang đang hăm dọa nền độc lập, tranh thủ được thời gian hòa bình để xây dựng lực lượng, chuẩn bị những yếu tố cần thiết cho một cuộc kháng chiến lâu dài mà chúng ta biết chắc rằng nó sẽ diễn ra. Nếu chúng ta ví cách mạng Việt Nam ở thời điểm mùa xuân năm 1946 như một con thuyền thì Hồ Chí Minh chính là vị thuyền trưởng tài năng và vĩ đại, luôn vững vàng tay lái để hướng con thuyền vượt qua mọi khó khăn thử thách, nhanh chóng cập bến bờ thắng lợi. Trong bối cảnh đó, Bác vẫn có những vần thơ chúc tết với những niềm tin mãnh liệt:
“ Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau
Tin rằng ta sẽ tết sau sum vầy”.
Mùa xuân 1954, chiến cuộc đông xuân 1953 – 1954 đang bước vào giai đoạn quyết định nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân dân ta đã làm nên chiến thắng oanh liệt tại mặt trận Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ vững chắc thành quả mà cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 đã giành được, đồng thời mở đầu cho thời kỳ sụp đổ hàng loạt của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới.
Mùa xuân 1968 là mùa xuân gắn liền với những chiến công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp Miền Nam. Những vần thơ chúc tết của Hồ Chủ Tịch trong dịp xuân Mậu Thân như tiếp thêm muôn vàn sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi mãi vẫn còn in dấu trong mỗi người dân Việt Nam :
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!
Mùa xuân 1969, đây là mùa xuân cuối cùng nhân dân ta được đón nhận những vần thơ chúc mừng năm mới của Bác:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sỹ, đồng bào
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn..
Những vần thơ chúc tết cuối cùng của Người như một định hướng, một sự tiên đoán của một nhà cách mạng thiên tài cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng dân tộc, đồng thời là bức thông điệp gửi tới kẻ thù, báo hiệu cho một sự thất bại và sụp đổ không thể tránh khỏi của chúng. Sức mạnh từ những vần thơ của Bác là sự cổ vũ lớn lao, là động lực để quân dân hai miền Nam – Bắc tiến lên giành những thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai ở Miền Nam.
Đại thắng Mùa xuân 1975 đã khắc thêm những chiến công vĩ đại của dân tộc. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm” đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo lời Bác dặn; giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn gấm vóc thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà; một chiến thắng đã làm cho toàn nhân loại tiến bộ nức lòng thán phục và chính kẻ thù cũng phải thừa nhận rằng: “ Trong lịch sử hơn hai mươi năm tồn tại của nước Mỹ và trong số 199 cuộc chiến tranh xâm lược bên ngoài lãnh thổ thì đây là lần đầu tiên người Mỹ không dám nói rằng mình đã thắng”. Mặc dù Bác đã ra đi trước thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, nhưng dấu ấn, hình ảnh của Bác và những tính toán, những dự báo thiên tài của Người vẫn còn hiện hữu. Xúc động trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc, nhớ đến Bác trong ngày non sông thống nhất, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết nên nhạc phẩm bất hủ “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, đó cũng chính là cảm nhận, là tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam trong mùa xuân lịch sử này.
Có thể nói, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mỗi mùa xuân đều gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của Đảng, Bác Hồ. Mặc dù đã đi xa nhưng dấu ấn của Người với những mùa xuân vẫn còn mãi mãi; như Tố Hữu đã nói “ Bác đi…di chúc dục lòng ta”. Nhớ về Người, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên nói riêng, nguyện ra sức phấn đấu, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và phát triển; ra sức học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác nhằm xây dựng Đảng bộ và quê hương Cẩm Xuyên ngày càng trong sạch, vững mạnh và đầy sức sống như những mùa xuân của đất nước đang đi lên; nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay…
Nguyễn Huy Liệu
Cẩm Huy - Cẩm Xuyên