Hà Tĩnh – vùng đất “giang sơn tụ khí” không chỉ đơn thuần theo cách nhìn phong thủy mà còn xét cả về mặt trầm tích văn hóa qua các thời đại. Thời nào, Hà Tĩnh cũng xuất hiện anh hùng, chí sĩ và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Thiên nhiên Hà Tĩnh đa dạng, hùng vĩ, tươi đẹp và giàu tiềm năng; người Hà Tĩnh nhân hậu, giàu nghĩa tình, sống lạc quan, yêu đời. Hà Tĩnh ngày nay luôn là điểm đến hấp dẫn để du khách gần xa khám phá thiên nhiên, văn hóa, con người; để hợp tác, đầu tư cùng phát triển...
Hà Tĩnh – vùng đất “giang sơn tụ khí” không chỉ đơn thuần theo cách nhìn phong thủy mà còn xét cả về mặt trầm tích văn hóa qua các thời đại. Thời nào, Hà Tĩnh cũng xuất hiện anh hùng, chí sĩ và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Thiên nhiên Hà Tĩnh đa dạng, hùng vĩ, tươi đẹp và giàu tiềm năng; người Hà Tĩnh nhân hậu, giàu nghĩa tình, sống lạc quan, yêu đời. Hà Tĩnh ngày nay luôn là điểm đến hấp dẫn để du khách gần xa khám phá thiên nhiên, văn hóa, con người; để hợp tác, đầu tư cùng phát triển...
Đường về Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Vinh
Tương truyền, Hà Tĩnh là đất Việt Thường của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Thời Bắc thuộc, đây là đất Hoan Châu mà sau này, khi vua Trần chống giặc Nguyên – Mông (thế kỷ XIII) vào lúc khó khăn nhất đã có câu: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh” (Tạm dịch: Cối Kê việc cũ người nên nhớ/ Hoan, Diễn vẫn còn mười vạn binh).
“Địa linh sinh nhân kiệt”, Hà Tĩnh là nơi sinh trưởng của biết bao nhân tài. Từ thời Trần, Lê đã có những người nổi tiếng như Trần Viết Thế - Tế tửu Quốc Tử Giám thời Hồng Đức (1471-1497); Nguyễn Dương Cốc - Tiến sỹ đời Đoan Khánh làm đến Giám sát Ngự sử; hay Lê Quảng Chí - người mà đọc sách chỉ liếc mắt qua cũng đã hiểu hết nghĩa; rồi Trương Quốc Dụng - Tiến sỹ đời Minh Mạng, Thượng thư bộ hình đời Tự Đức; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791); Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820); họa sỹ Nguyễn Phan Chánh… và rất nhiều danh nhân khác như Nguyễn Công Trứ (1778-1858) với tài kinh bang tế thế cùng khát vọng cống hiến tràn trề ở tuổi chẵn 80; lãnh tụ Cần vương Phan Đình Phùng (1847-1895); Ngô Đức Kế (1878-1929); Võ Liêm Sơn (1888-1949); Lê Thước (1891-1975); Hoàng Ngọc Phách (1896-1973); Phạm Khắc Hòe (1902-1995); Nguyễn Tạo (1905-1995); Hoàng Xuân Hãn (1908-1996); Nguyễn Khắc Viện (1913-1997); Nguyễn Đổng Chi (1915-1984); Trương Chính (1916-2004); Xuân Diệu (1916-1985); Huy Cận (1919-2005); các Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập...
Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc)
Danh sách những chí sĩ, những người con kiệt xuất của quê hương Hà Tĩnh nối dài theo thời gian và lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết rằng, thiên nhiên Hà Tĩnh vừa đa dạng, phong phú, lại vừa khắc nghiệt, truyền thống và cách mạng đã hòa quyện và hội nhập vào mỗi con người, tạo nên khí chất người Hà Tĩnh. Bởi vậy, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn, người Hà Tĩnh vẫn luôn kiên trinh, thủy chung như nhất, từ thời Đông Sơn, vua Hùng dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh cứu nước, phục hưng dân tộc, qua ngàn cơn thử thách Bắc thuộc, Minh thuộc, Pháp thuộc…
Bề dày truyền thống lịch sử với những trầm tích văn hóa và vị thế địa lý, những di sản thiên nhiên ban tặng đã tạo nên bản sắc quê hương và khí chất con người Hà Tĩnh. Và đó chính là nguồn năng lượng dồi dào, không bao giờ vơi để Hà Tĩnh không ngừng vươn mình đổi mới, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Biển Thiên Cầm "hút" khách du lịch
Các tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh, kéo dọc suốt từ chân cầu Bến Thủy đến chân Đèo Ngang, từ vùng biển cho đến miền núi đều đã được đánh thức và đang trỗi dậy với khí thế hào hùng. 137 km bờ biển đã được điểm tô bằng cơ sở hạ tầng các khu du lịch để thu hút bước chân của biết bao du khách gần xa. Biển Thiên Cầm xanh trong, dịu êm trong gió nắng đang dần hoàn thiện, xứng đáng là khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Biển đã trở thành trục xoay kinh tế của vùng, để nhân dân vừa bám biển sản xuất, phát triển kinh tế, vừa giữ biển cho đất nước, quê hương. Nơi sinh ra và nuôi dưỡng các danh nhân; các di tích lịch sử, trận địa cách mạng đã trở thành “sản phẩm du lịch” phục vụ du khách mọi miền đến tham quan, khám phá văn hóa, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp không khói của tỉnh nhà…
Khu Kinh tế Vũng Áng - "Đầu tàu" tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh
Hà Tĩnh hôm nay đã gom đủ hành trang của quê hương cho một cuộc vươn ra biển lớn, hội nhập và phát triển. Nếu như Hà Tĩnh xưa được gắn với những giá trị do thiên nhiên ban tặng như núi Hồng và sông La, Ngàn Sâu và Ngàn Phố, Thiên Nhẫn và Giăng Màn, chùa Hương, Vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim, bãi biển Thiên Cầm... thì Hà Tĩnh hôm nay đã, đang và sẽ được tạo dựng, vươn cao bởi bàn tay, khối óc của con người. Đại thủy nông Kẻ Gỗ, KKT Vũng Áng, Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, dự án thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi - Cẩm Trang... là những minh chứng hào hùng, tựa những chiếc bút đa màu “vẽ” nên gương mặt mới cho Hà Tĩnh trong hành trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Hà Tĩnh là điển hình trong phong trào xây dựng NTM của cả nước
Hà Tĩnh đang tạo nên hình thế một con rồng chở bao ước vọng mà đầu của nó nằm ở phía Nam (KKT Vũng Áng) theo thế “thăng thiên”. Chính bước phát triển ngoạn mục của Hà Tĩnh càng khẳng định tầm nhìn chiến lược của những nhà hoạch định chính sách, những bàn tay và khối óc, trái tim của con người Hà Tĩnh, trong đó, hình ảnh “đầu rồng thăng thiên” (khu công nghiệp Vũng Áng) là nơi khởi tạo nguồn năng lượng mới để tỉnh tái đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà đưa Hà Tĩnh “cất cánh” lên một tầm cao mới!
Theo:Biện Nhung
Baohatinh.vn