Đứng trên chiếc cầu bê tông nối hai bờ kênh chính Kẻ Gỗ của con đường nhựa Vịnh – Thành - Quang, nhìn về phía đông, khách qua đường nhầm tưởng một làng mới vừa hình thành. Đó chính là tổ hợp cá – lúa – vịt ở thôn Đông Mỹ xã Cẩm Thành, một mô hình chuyển đổi cung cách làm kinh tế có hiệu quả đang được sự quan tâm của nhiều người.

Đứng trên chiếc cầu bê tông nối hai bờ kênh chính Kẻ Gỗ của con đường nhựa Vịnh – Thành  - Quang, nhìn về phía đông, khách qua đường nhầm tưởng một làng mới vừa hình thành. Đó chính là tổ hợp cá – lúa – vịt ở thôn Đông Mỹ xã Cẩm Thành, một mô hình chuyển đổi cung cách làm kinh tế có hiệu quả đang được sự quan tâm của nhiều người.

 

          Chỉ mới năm, bảy năm về trước, nơi đây là một vùng đất bỏ hoang bởi thời kỳ thi công kênh chính Đại thủy nông Kẻ Gỗ, tầng đất canh tác đã bị máy xúc, máy ủi chuyển đi. Những năm tháng dài sau đó, mặt đất nham nhở nhiều chỗ thành vũng nước sâu dành chỗ cho đám cỏ lác. Thi thoảng mới còn có gò đất nhô cao giúp đàn trâu “nghỉ chân ’’ khi mùa mưa nước ngập trắng đồng.

          Thôn Đông Mỹ có ba xóm: Na Kênh, Mỹ Phương và Kênh Cạn chủ yếu là thuần nông, cây lúa giữ vai trò chủ lực trong thu nhập hằng năm của người dân. Cây lúa vùng này nhờ nước Kẻ Gỗ đã đẩy lùi nạn đói, nhưng còn đó, nhiều việc hạt lúa không gánh nổi sự tiêu dùng cho người nông dân. Không chấp nhận cảnh đói nghèo, người dân ở đây đã tìm được nhiều nghề phụ có thu nhập khá, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng thành công chương trình Nông thôn mới nổi bật nhất là xóm Na Kênh. Khi nhiều địa phương trong Tỉnh nở rộ phong trào nuôi tôm, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thì một số người dân xóm Na Kênh đã biết phát hiện vùng đất hoang hóa hai bên kênh chính Kẻ Gỗ để nuôi cá, thả vịt, trồng lúa. Đầu tiên phải kể đến ông Lê Đức Ngụ, một cựu chiến binh, nhưng rất chịu khó, bằng lao động thủ công, ông đào đắp, tu sửa, hình thành hồ nước rộng gần một hecta. Trên diện tích khai hoang phục hóa đó, ông thả cá, nuôi vịt và trồng lúa xung quanh. Khi có lúa cung cấp thức ăn cho vịt, phân vịt cung cấp thức ăn cho cá nên chi phí “đầu vào” không nhiều. Hai năm đầu gia đình ông đã có thu nhập từ 30-40 triệu đồng.

 

 

          Khác với gia đình ông Ngụ, ông Lê Đức Toản khi quyết định đến với mô hình cá-lúa-vịt đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Do phải lo cho con cái chuyện học hành, nghề nghiệp, xây dựng gia đình nên khoản nợ tín dụng, ngân hàng của gia đình ông đã ngót nghét gần 800.000 triệu đồng. Vốn là người có sức khỏe và năng động trong làm kinh tế nên ông đã quyết tâm bàn với vợ dựng lều, hạ trại theo mô hình cá-lúa-vịt để kiếm tiền trang trải nợ ngân hàng và chỉ mới mấy năm, ông đã thành công.

Theo gương ông Ngụ, ông Toản, nhiều gia đình ở xóm Na Kênh như anh Lê Đức Giáp, Lê Đức Nhân, Lê Đức Duy, Lê Đức Phượng, Trần Văn Thao . . . và cả anh Võ Tá Dương - bí thư chi bộ cũng tham gia. Tổ hợp cá-lúa-vịt của thôn Đông Mỹ được hình thành. Mười hai gia đình cùng chung chí hướng, tuy cách làm của mỗi hộ có khác nhau chút ít nhưng hiệu quả thu nhập khá từ mô hình thì đã rõ.  Nhất là từ ngày xã Cẩm Thành đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, tổ hợp cá lúa vịt luôn được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương xã và người dân Na Kênh dưới nhiều hình thức khác nhau nên càng có điều kiện phát triển nhanh hơn.

          Đến thăm gia đình ông Toản vào một buổi chiều, nhìn mô hình kinh tế của gia đình ông, chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục. Ông Toản tâm sự chân thành: “Do nợ nần nhiều nên khi “hạ trại” làm hồ cách đây 7 năm, ông bà chỉ có một gian nhà bằng tranh tre, 500.000 đồng để mua cá giống, mua nợ 200 con vịt đẻ về làm vốn liếng khởi nghiệp, kinh nghiệm lại chưa có gì nên trừ vốn, năm đầu chỉ lãi được 10 triệu đồng. Theo thời gian vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa được vay thêm vốn lãi suất ưu đãi 0,65% , ông bà mở rộng mặt hồ, thuê máy đào mỗi ca hết 7 triệu đồng (số lượng ca máy phải thuê tùy thuộc vào từng năm theo nhu cầu mở rộng, nạo vét hồ). Ông trồng chuối trên những bờ đất đắp ven hồ, thả gà, vài con bò nên thu nhập từ đó cứ tăng dần lên. Trừ năm 2010, do trận lụt lịch sử ở Cẩm Xuyên nên thu nhập gần như mất trắng còn những năm khác thì năm nào cũng thắng lợi”. Ông Toản cho biết thêm: “Nói là mô hình cá-lúa-vịt nhưng chúng tôi còn trồng chuối và hương - loại chuối quả to, khi chín có hương thơm ngọt, dễ chịu, khách thập phương rất ưa chuộng, thả thêm gà, có hộ nuôi thêm đàn lợn, kể cả con ốc dưới hồ mỗi năm cũng bán được cho nhà hàng từ 5 đến 7 triệu đồng. Ông tính cụ thể thu nhập năm 2013 để tôi nghe: “Lãi bán trứng vịt là 110 triệu, cá 60 triệu, gà 40 triệu, bò 10 triệu, chuối 15 triệu, ốc 5 triệu tổng là hơn 200 triệu. Năm 2014 cũng thu nhập tương đương như vậy, nhờ thế mới trả hết nợ, mới có tiền để cho con trang trải công việc, ổn định cuộc sống”.

           Tôi đi một vòng xung quanh tổ hợp cá-lúa-vịt và vào một số hộ gia đình để tìm hiểu thêm. Thấy ai cũng vui, biết được mấy năm nay thu nhập hàng năm của các  hộ đều tăng. Tính bình quân cả tổ hợp, mỗi năm riêng tiền lãi đã có gần một tỉ đồng. Nhìn toàn cảnh tổ hợp ngày nào chỉ có nước và đất một màu bạc trắng, giờ đây thấp thoáng sau những hàng chuối nặng trĩu buồng, hàng keo xanh ngắt rợp bóng ven hồ là từng đàn vịt tung tăng bơi lội, từng đàn gà trắng, vàng xen lẫn thong thả kiếm ăn. Và dưới các hồ đang ngày một mở rộng kia là hàng vạn con cá chép, cá mè, trắm cỏ, rô phi,… cả tôm, ốc nữa đang gần đến mùa thu hoạch. Bức tranh cuộc sống trù phú,  ấm no ấy không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần điều chỉnh giá cả thị trường trong huyện và tỉnh.

          Anh Võ Tá Dương, bí thư chi bộ thôn Đông Mỹ, vừa là thành viên, vừa tham gia chỉ đạo mô hình, chia sẻ: “Ở thôn Đông Mỹ , người dân có nhiều cung cách làm ăn nhưng hiện tại tổ hợp cá-lúa-vịt của mười hai hộ gia đình là có “sức sống” nhất, đều làm ăn có lãi. Bình quân hộ nhiều thu nhập trên 200 triệu đồng, hộ ở mức trung bình cũng gần 100 triệu đồng/năm. Kết quả đó có được như ở thôn này là quý lắm rồi. Chỉ tiếc là vùng đất trong thôn phù hợp với mô hình cá-lúa-vịt không còn nữa để những hộ nông dân khác cùng làm ăn gia nhập tổ hợp chúng tôi”.

          Những lời tâm huyết của anh Dương càng giúp ta phải suy ngẫm. Đúng như người xưa từng nói: “Tấc đất, tấc vàng”. Hiện tại ở thôn Đông Mỹ không còn đất trống để mở rộng kinh doanh cá-lúa-vịt, nhưng ở nhiều nơi, nhiều địa phương khác còn có, thậm chí còn nhiều. Thiết nghĩ có được quyết tâm, nghị lực lớn như ông Ngụ, ông Toản và nhiều người khác ở xóm Na Kênh thì hình ảnh về một nông thôn mới mà chúng ta đang ra sức xây dựng với đa dạng mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình cá – lúa – vịt nơi đây sẽ mở ra một tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn. Mô hình cá-lúa-vịt ở thôn Đông Mỹ, Cẩm Thành được nhiều người quan tâm tìm đến để học hỏi là đúng lắm.

 

Huy Quân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 257.325
Trong năm: 153.565
Trong tháng: 53.061
Trong tuần: 16.306
Trong ngày: 116
Online: 9