Từ mục đích sưu tập đồ cổ để phục vụ cho bài giảng thêm sinh động, ông giáo Lê Văn Khánh (83 tuổi, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) đã sở hữu bộ sưu tập đồ cổ vô cùng độc đáo với gần 50 hiện vật ở 34 hạng mục gồm: ấn, triện, khế ước ruộng đất, đồng bạc, sách giáo khoa, bạc cổ…
.
Từ mục đích sưu tập đồ cổ để phục vụ cho bài giảng thêm sinh động, ông giáo Lê Văn Khánh (83 tuổi, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) đã sở hữu bộ sưu tập đồ cổ vô cùng độc đáo với gần 50 hiện vật ở 34 hạng mục gồm: ấn, triện, khế ước ruộng đất, đồng bạc, sách giáo khoa, bạc cổ…
Tôi may mắn được gặp ông Lê Văn Khánh trong lần ông về thăm quê mới đây. Sau khi nghỉ hưu, năm 1990, ông Khánh đưa vợ con vào miền Nam định cư. Hiện, ông là giám đốc một công ty về chăn nuôi ở Đồng Nai.
Cho chúng tôi xem bộ sưu tập đồ cổ mà ông nâng niu cất giữ cẩn thận và luôn mang theo bên mình mỗi lần về thăm quê, ông Khánh tâm sự: “Bộ sưu tập đồ cổ bắt nguồn từ ý định tìm các hiện vật liên quan để bài giảng thêm sinh động, nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ”.
Ông Lê Văn Khánh giới thiệu về bộ sưu tập đồ cổ của mình
Chỉ vào chiếc thẻ sưu, ông kể: “Đây là món đồ cổ đầu tiên. Khi ấy, tôi là giáo viện dạy văn tại Trường Cấp 3 Cẩm Bình (Cẩm Xuyên). Để dạy chương “Văn học hiện thực phê phán” trong sách giáo khoa lớp 10 (năm 1976), trong đó có bài giảng về thời kỳ sưu cao, thuế nặng, nhưng thẻ sưu thì rất hiếm học trò biết. Sau vài ngày tìm kiếm, dò hỏi, tôi được một người họ Dương tặng chiếc thẻ sưu của một người tên Dương Nại ở Thạch Hội (Thạch Hà) vào năm 1943”.
Với cái tâm của người thầy yêu nghề, ông Lê Văn Khánh say mê với các món đồ cổ lúc nào không hay. Quá trình sưu tập, ông phát hiện trong nhiều gia đình còn lưu giữ những hiện vật cổ có giá trị. Cùng với sự tham gia đóng góp của học sinh, bộ sưu tập của ông ngày càng phong phú và đa dạng. Nhiều tư liệu quý được tìm thấy như khế ước ruộng đất bằng chữ Hán qua các thời vua: Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Bảo Đại...; tấm “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm thứ XI (1955) cấp theo luật cải cách ruộng đất, có dấu mốc đỏ của “Ủy ban Hành chánh tỉnh Hà Tĩnh”.
Điều thú vị là trên tấm giấy này có viện dẫn luật cải cách ruộng đất thời đó: “được tự do sử dụng số ruộng đất ấy như chia gia tài, cầm, cho, bán”. Đây là tài liệu quan trọng đối với các nhà nghiên cứu về sự thay đổi quan niệm của Nhà nước ta về quyền sở hữu ruộng đất qua các thời kỳ.
Ông Khánh còn có 5 chiếc ấn, triện cổ với hình thù đa dạng. “Cấp thấp nhất là dấu của thôn, cái này do lý trưởng giữ. Sau đó là hộ tịch ấn của xã trưởng, đến chánh tổng, tri huyện và dấu của địa phương ở cấp xã”, ông Khánh giải thích.
Lý giải thêm về chiếc triện của lý trưởng, ông Khánh cho biết: “Trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố có đoạn chị Dậu bán cả con lẫn chó được 2 đồng để nộp một suất thuế sưu mà lý trưởng vẫn thu 1 đồng khi đóng dấu vào đơn. Cái triện lý trưởng quan trọng như thế nên tôi cố tìm cho được và đã có chiếc triện đồng lý trưởng làng Yên Dưỡng, tổng Vân Tán (nay là xã Cẩm Bình)”.
Bộ sưu tập đồ cổ của ông Khánh có từ 30 - 50 năm, một số hiện vật có tuổi thọ trên 200 năm
Bộ sưu tập của ông Lê Văn Khánh còn có nhiều hiện vật có giá trị như: cuốn sách giáo khoa địa dư (tức môn Địa lý) in bằng chữ Quốc ngữ cách đây hơn 100 năm (in năm 1911, tại Hải Phòng) dùng cho học sinh lớp đệ nhất tiểu học (lớp 5 hiện nay); bằng tiểu học yếu lược thời Pháp thuộc của ông Nguyễn Đắc Đằng (SN 1917) tổng Vân Tán (nay là xã Cẩm Bình) được cấp ngày 9/8/1930, một nửa in bằng tiếng Pháp, nửa bên trái in chữ Quốc ngữ; sổ “Chứng nhận đăng ký máy thu thanh” do Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh cấp vào tháng 10/1975; giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp năm 1972…
Đến nay, bộ sưu tập đã có gần 50 hiện vật ở 34 hạng mục gồm: ấn triện, khế ước ruộng đất, đồng bạc, sách giáo khoa, bạc cổ…. Phần lớn số hiện vật có từ 30-50 năm, số còn lại trên 200 năm. Các hiện vật này được chế tác trên nhiều loại vật liệu gỗ, ngà voi, đồng… Một số cơ quan chức năng như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hà Tĩnh đã đến tham quan, khảo sát và đều đánh giá cao về góc độ lịch sử, văn học, giáo dục... của bộ sưu tập này.
“Bộ sưu tập vốn dĩ ra đời để phục vụ quá trình dạy học, nên tâm nguyện của tôi muốn lưu lại để thế hệ trẻ được hiểu rõ hơn về một số thời kỳ lịch sử dân tộc ta”, ông Khánh bộc bạch.
Theo: Phan Trâm
Baohatinh.vn