Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh, Kỳ Anh) là điểm đến tâm linh của hàng vạn người con đất Việt. Ngôi đền linh thiêng bên cửa bể cùng câu chuyện truyền tụng về Chế Thắng phu nhân tựa viên ngọc sáng mãi theo thời gian.
|
Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh, Kỳ Anh). |
Đến Kỳ Anh, một trong những điểm đến không thể thiếu đối với du khách những ngày đầu năm mới là đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải). Đền cách thị trấn Kỳ Anh khoảng 7 km về phía Đông, thuộc thôn Hải Khẩu, xã Kỳ Ninh.
Ngôi đền tọa lạc bên cửa biển, trên bãi đất pha cát rộng khoảng 4.500 m2, quay về hướng Đông nam. Phía trước đền là núi Ô Tôn tựa chiếc bình phong che chắn. Đằng sau là núi Bàn Độ có đỉnh bằng phẳng, trông như cái mâm vàng đặt trước biển. Địa thế hữu tình nhưng thanh tịnh, kỳ bí.
Theo các cụ có tuổi phục vụ trong đền thì ngày xưa, vào đời Trần, đền chỉ có tiền miếu và hậu lăng. Người dân địa phương nâng niu, giữ gìn ngôi đền như bảo bối. Bởi vậy, qua bao biến thiên của thời gian, ngôi đền vẫn được bảo tồn và không ngừng được trùng tu, tôn tạo. Sau này, ngôi đền đã trở thành một hệ thống hoàn chỉnh. Thượng điện, trung điện, hạ điện và nhà dâng hương được kiến trúc theo kiểu chữ công (I), nối liền khép kín với nhau. Phía sau thượng điện là lăng mộ bà Nguyễn Thị Bích Châu. Phần mộ được thiết kế rất đặc biệt. Lối vào là một khung cửa nhỏ khiến bất cứ ai đi qua cũng có cảm giác thu nhỏ, trở nên khiêm nhường. Phần mộ được ốp gạch, phía trên là điện thờ có đặt bức tượng dát vàng. Bức tượng trong thế thiền nhưng vẫn toát lên vẻ nhân hậu và cao sang trong không gian tĩnh lặng, đầy bí ẩn càng gợi nhớ câu chuyện cách đây 637 năm về cung phi Nguyễn Thị Bích Châu.
Tên của vị cung phi này tuyệt nhiên không xuất hiện trong các bộ sử, mà chỉ hiện lên qua những áng văn thơ và các truyền ngôn. Truyền thuyết kể rằng, Bà Hải tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, một cung phi xinh đẹp, thông minh, tài giỏi, được vua Trần Duệ Tông (1337-1377) yêu quý. Vì vậy, khi được tuyển vào cung hầu hạ, chỉ ít lâu sau, Bích Châu đã là bậc quý phi, thường giúp vua trong việc giấy tờ, nghiên bút. Bấy giờ, vua Duệ Tông ham mê chơi bời, chẳng có tài trị nước, đã vậy, thường tự kiêu, lại cả tin bọn nịnh thần. Thấy cơ nghiệp nhà Trần ngày một suy vi, Bích Châu thường tỏ ra lo lắng. Nàng bèn dâng lên vua một bài sớ “Kê minh thập sách”, trong đó trình bày mười việc chính sự cần sửa đổi. Nhưng Duệ Tông không để ý, lại nghe lời bàn của một viên quan quyết định thân chinh. Khi khuyên chồng không được, Bích Châu xin phép được ngự giá cùng nhà vua trong chuyến tuần du về phương Nam. Đến một cửa biển lớn, vua ra lệnh cho quân sĩ lên bộ nghỉ ngơi ít ngày, nhưng vừa ghé bến được một chốc thì trời bỗng nổi một trận gió lốc dữ dội.
Sau khi biết chuyện Giao Thần đòi một giai nhân mới giúp cho cuộc hành quân thuận buồm xuôi gió, trong khi mọi người đang nhìn nhau sợ hãi chưa biết ứng phó thế nào thì Bích Châu từ sau trướng bước ra và nói: Sự thể đến nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân làm nhẹ. Chỉ liều một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả. Sau đó, Bích Châu lạy vua rồi bước lên một chiếc thuyền câu. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, chiếc thuyền lướt ra biển cả như một chiếc lá trôi. Bỗng chốc, một đợt sóng dâng lên ngập trời. Khi sóng hạ xuống thì thuyền đã biến mất. Một lát sau, trời vừa sáng rõ thì sóng yên, gió lặng. Hai ngày sau cơn bão tan, xác của cung phi Bích Châu dạt vào bờ. Dân chúng quanh vùng vớt xác bà an táng và lập đền thờ.
Lại có một truyền thuyết dân gian lưu hành ở địa phương kể rằng: Bích Châu đã tử nạn nơi chiến địa khi đang cưỡi ngựa đánh giặc bảo vệ nhà vua. Nhà vua bại trận và cũng bị tử nạn trong trận chiến đó. Linh cữu nhà vua được đưa về kinh thành Thăng Long bằng đường bộ, còn linh cữu nàng được đưa về bằng đường biển. Khi đi qua cửa khẩu Kỳ Hoa, gặp sóng to, gió lớn, thuyền phải quay lại. Quan quân lên bờ làm lễ mai táng nàng ngay bên bờ biển. Đền thờ nàng cũng được lập ở đó.
|
Lễ rước hương án và kiệu từ ngoài cửa biển vào ban thờ tế giỗ Thánh Mẫu |
Không có chính sử nhưng câu chuyện về Nguyễn Thị Bích Châu vẫn được truyền tụng theo thời gian. Một tấm lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy bình yên cho nhiều người đã trở thành tín ngưỡng, niềm tin tâm linh trong lòng người Việt. Cụ Trần Duân năm nay đã 77 tuổi, người thôn Hải Khẩu tình nguyện phục vụ trong đền cho biết: Người dân ở đây bao đời nay đều nâng niu, giữ gìn ngôi đền như một viên ngọc. Các thế hệ nối tiếp cứ nhắc nhớ nhau về công ơn của Mẫu. Có Mẫu ở đền, dân làng được soi đường, ra khơi vào lộng đều bình yên.
Ngọc sáng trong lòng dân với niềm tin tâm linh. Không chỉ thế, “Kê minh thập sách” của Nguyễn Thị Bích Châu cũng còn là một viên ngọc. Lời văn giản dị, ngắn gọn nhưng đanh thép, bao hàm nhiều phương diện của quốc kế dân sinh, chứa đựng cả chiến lược lẫn sách lược về chính trị, văn hóa và quân sự. “Kê minh thập sách” ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài phần lễ tâm linh, “Kê minh thập sách” được khắc trên tấm bảng dựng ngay bên cổng đền với lời vàng, ý ngọc, có sức hút lạ kỳ. Bất cứ ai thấy đều đọc. Mà đã đọc lần một còn muốn đọc lần hai… Đọc xong thì suy ngẫm về kế trị nước, an dân, về trách nhiệm cá nhân của mỗi người trong công cuộc dựng xây đất nước và cuộc sống hôm nay…
Ông Phan Công Đính – Trưởng BQL đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: Mùa lễ hội thường kéo dài từ đêm 30 tết cho đến rằm tháng 2, du khách nườm nượp. Khách đến từ mọi miền, kể cả từ nước ngoài, nhưng đều có chung niềm tin tâm linh và sự ngưỡng vọng. Đền có một nghi thức khá độc đáo là tục dâng bánh chưng thờ ngày tết. Bánh chưng thờ có 3 chiếc to và 12 cặp bánh nhỏ. Bánh to mỗi chiếc có 5 kg gạo nếp, 1,5 kg đỗ làm nhân. Bánh nhỏ gói mỗi chiếc 2 kg và 0,5 kg đỗ làm nhân. Bánh được dâng vào đúng giờ thìn ngày mùng 1 tết.
Văn hóa lễ hội cũng là một trong những hoạt động được BQL đền quan tâm đặc biệt. Trước mùa lễ hội, BQL tổ chức cuộc thi “sát hạch” thầy lễ. Các thầy lễ phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như hiểu về lịch sử ngôi đền; các lễ tục, các bài cúng; cách ứng xử với khách… Các thầy lễ còn được chia thành các tour phục vụ. Các thầy lễ còn là một hướng dẫn viên, sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc và hướng dẫn các thủ tục hành lễ...
Một mùa lễ hội mới lại bắt đầu - mùa xuân năm 2014, ngôi đền linh thiêng Nguyễn Thị Bích Châu tiếp tục là điểm tìm về của biết bao tấm lòng người con đất Việt. Ngôi đền với những câu chuyện truyền tụng và “Kê minh thập sách” vẫn tựa viên ngọc ngày càng được thời gian mài sáng, chiếu rọi lung linh làm an lòng dân và tiếp tục nhắc nhớ, giáo dục thế hệ hôm nay về tình yêu và trách nhiệm dựng xây đất nước.
Kê minh thập sách
Phiên âm
Nhất viết : Phù quốc bản, hà bạo khứ, tắc nhân tâm khả an.
Nhì viết : Thủ cựu qui, phiền nhiễu cách tắc triều cường bất vẩn.
Tam viết : Ức quyền hành dĩ trừ quốc đố.
Tứ viết : Thải nhũng lại, dĩ tính dân ngự.
Ngũ viết : Nguyện chấn nho phong, sử tước hoả dữ nhật nguyện nhị tịnh chiếu.
Lục viết : Nguyện cầu trực gián, hội thành môn dữ ngôn lộ nhi tịnh khai.
Thất viết : Luyện binh đương tiên dũng lực nhi tả thân tài.
Bát viết : Tuyển tướng nghi hậu thế gia, nhi tiên thao lược.
Cửu viết : Khi giới qui kỳ khiên nhuệ, bất tài thi hoa.
Thập viết : Trận pháp giáo dĩ chỉnh tề, hà tu vũ đạo.
Dịch nghĩa:
Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.
Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.
Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.
Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.
Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.
Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.
Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.
Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.
|
Theo: Biện Nhung
Baohatinh.vn
|