Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập- Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (1936-1938), ở làng Thổ Ngoạ, tổng Kim Nặc(nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích nằm về phía Tây cách đường Quốc lộ 1A hướng Bắc- Nam khoảng 500m.

Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập- Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (1936-1938), ở làng Thổ Ngoạ, tổng Kim Nặc(nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích nằm về phía Tây cách đường Quốc lộ 1A hướng Bắc- Nam khoảng 500m. Ngôi nhà tranh 4 gian nằm nép mình trong luỹ tre xanh là nơi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm về quê hương, dòng họ, gia đình đồng chí Hà Huy Tập. 

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, đồng chí đã sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, cách mạng của cha anh để hình thành cho mình nhân cách và lý tưởng sống vì dân, vì nước. 

Năm 13 tuổi, Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa tại trường tỉnh và được đặc cách vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, anh tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu và được bổ nhiệm về dạy tại trường tiểu học Pháp- Việt thị xã Nha Trang, sau đổi về dạy ở trường tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh, Nghệ An vào tháng 9-1925. Ở Vinh, Hà Huy Tập gặp Ngô Đức Diễn, Trần Phú và được kết nạp vào Hội Phục Việt. Thời gian này Hà Huy Tập tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho học sinh, công nhân, nông dân, tổ chức quần chúng đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến. Thấy rõ sự phát triển của Hội Hưng Nam và vai trò của Hà Huy Tập, Trần Phú và Trần Văn Tăng, Công sứ Pháp ở Vinh đã chuyển Hà Huy Tập lên dạy học ở Kẻ Bọn( Quì Châu), Trần Văn Tăng ra trường tiểu học Pháp-Việt( huyện Yên Thành). Hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, Hội Hưng Nam đã chuyển Hà Huy Tập vào Sài Gòn làm phóng viên cho nhiều tờ báo có xu hướng chống Pháp, trong đó có tờ “An Nam”. Năm 1928, anh trở ra Vinh hoạt động và xây dựng gia đình. 

Ngày 14-8-1928, Hà Huy Tập dự Hội nghị Tổng bộ Tân Việt tại Huế. Sau đó, anh và Phan Đăng Lưu được Tổng bộ cử sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Được tiếp xúc trực tiếp với Hội Thanh niên tại Quảng Châu, anh đã trở thành thành viên của tổ chức này. Tháng 7-1929, Hà Huy Tập được Tổng bộ Thanh niên giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1932, mãn khoá học, đồng chí tìm cách về nước bằng đường hàng hải Mác xây-Sài Gòn. Đến Pa ri, Hà Huy Tập bị chính quyền Pháp trục xuất trở lại Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô, đồng chí đã viết cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp, với bút danh là Hồng Thế Công. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. 

Đầu năm 1934, Hà Huy Tập theo đường phía Nam Trung Quốc về nước. Tới Ma Cao, Hà Huy Tập cùng Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Dựt thành lập ra “Ban chỉ huy ở ngoài” của Đảng. Ban này có chức năng như Ban chấp hành Trung ương Lâm thời, có nhiệm vụ khôi phục lại hệ thống tổ chức và chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Ngày 26-7-1936, Lê Hồng Phong cùng Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Thượng Hải, Trung Quốc để phổ biến Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Hội nghị đã cử đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư và về nước tổ chức lại Ban chấp hành Trung ương. Cuối tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập cùng cơ quan Trung ương chuyển về Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. 

Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới. Ngày 1-5-1938, đồng chí Hà Huy Tập bị mật thám bắt ở Sài Gòn. Toà Tiểu hình Sài Gòn kết án đồng chí 2 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú. Tháng 3-1939, đồng chí bị trục xuất về quê và chúng cấm không cho bất kỳ một trường học nào ở Hà Tĩnh nhận Hà Huy Tập làm giáo viên. 

Tháng 2-1940, đồng chí lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, thực dân Pháp cho rằng Hà Huy Tập có vai trò lãnh đạo rất lớn. Vì vậy, ngày 27-3 và ngày 17-5-1941, Toà án Quân sự đặc biệt Sài Gòn đã kết án tử hình Hà Huy Tập và 6 đồng chí . 

Hà Huy Tập cùng với: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tay và Nguyễn Văn Huân bị bắn Tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia định. 

“ Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”, là câu nói khảng khái, thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đồng chí Hà Huy Tập mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc. 

Nhà của gia đình đồng chí Hà Huy Tập cũng như biết bao gia đình nghèo khác ở Hà Tĩnh lợp tranh, vách đất. Nhà thấp, đòn tay và rui bằng tre, hai gian ngoài đặt một cái sập gỗ và hai tràng kỷ bằng tre, gian trong đặt một chiêc giường đôi. Đầu hồi gian trong trái ra làm nơi nấu ăn. Sân nhà bằng đất, xung quanh dựng gạch đứng. Nhà nằm trong khu vườn hình chữ nhật có diện tích là 1540 m2. Trong vườn có một số cây ăn quả và cây cảnh. 

Ngôi nhà và khung cảnh tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã chứng kiến sự ra đời, tuổi thơ và sự hình thành nhân cách của một danh nhân cách mạng lớn-Hà Huy Tập. 

Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập-Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam năm1936-1938, ở Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh được Bộ Văn hoá công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1991.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH CẨM XUYÊN
    Thống kê: 218.472
    Trong năm: 114.888
    Trong tháng: 92.728
    Trong tuần: 12.728
    Trong ngày: 442
    Online: 20