Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên ở làng Cát Thiên hay làng Hầu Thượng, tổng Vân Tán nay là xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên. Nguyễn Biên còn có tên Nguyễn Dung, không rõ năm sinh quê ở xã Phù Lưu, huyện Phỉ Lộc nay là xã Hồng Lộc huyện Can Lộc. Vì ở quê đất chật người đông, nên ông đã đưa gia đình vào lập nghiệp tại động Choác thuộc làng Khả Luật, nay là xã Cẩm Hưng.
Tại đây ông đã tổ chức khai hoang, tích trữ lương thực, xây dựng lực lượng khởi nghĩa chống giặc Minh vào những năm 20 của thế kỷ XV, đã đánh nhiều trận vào quân đồn trú của giặc Minh, mở rộng khu căn cứ xung quanh. Để tiện việc chỉ huy và mở rộng lực lượng, sau 1 thời gian khởi nghĩa, Nguyễn Biên đã dời đồn chỉ huy từ Kẻ Cấm ra vùng Cát Thiên. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã kiểm soát được một vùng rộng lớn thuộc 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên ngày nay. Năm 1425, Bình Định vương Lê Lợi đã vào lập căn cứ ở Đỗ Gia -Hương Sơn, Nguyễn Biên đã đưa toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Ông được phong là Bình Ngô Thượng tướng quân, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ở quê nhà. Nhưng trong một trận chiến đấu, ông bị thương nặng, quân sĩ đưa ông về đến làng Cát Thiên thì ông mất. Quân sĩ và nhân dân địa phương đã mai táng ông ở đây và về sau lập đền thờ ông trên nền dinh trại cũ. Nhân dân thường gọi đền này là đền Thượng tướng, do tổng Vân Tán phụng tự. Đền Nguyễn Biên ban đầu cũng chỉ là 1 miếu nhỏ, về sau được nhân dân cả tổng Vân Tán góp công của xây dựng to lớn với 3 toà lộng lẫy, tương truyền mộ ông được chôn ở phía sau đền. Ngày 12/8 âm lịch là ngày lễ tế của đền.
Kiến trúc đền thờ hiện nay gồm có cổng tam quan đã bị xuống cấp, 2 toà hạ và thượng điện cấu trúc theo kiểu chữ Nhị (=), ngoảnh hướng nam. Các đồ thờ tự trong đền chủ yếu mới được bổ sung trong những năm gần đây. Trong đền có nhiều câu đối ca ngợi thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Biên, đáng chú ý có câu:
“Vân Tán cựu truyền Vân tướng mệnh.
Hoắc Sơn trường ký Hoắc tiêu diêu.”
(Đất Vân Tán truyền tụng mãi vị tướng có tài.
Núi Hoắc ghi mãi tên tuổi của ông.)
Chiều 8-1, trong lúc đang làm giao thông thủy lợi nội đồng tại thôn Đông Cát, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, người dân đã đào lên được một ngôi thuyền mộ bằng gỗ có hình dạng giống một con thuyền cổ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 3,5m, dài 2,6m, rộng 1,2m (cách đền thờ Di tích lịch sử cấp quốc gia danh tướng Nguyễn Biên về hướng Bắc Hà Tĩnh khoảng 200m). Bên dưới ngôi mộ có 1 chiếc quan tài độc mộc được làm bằng thân cây gỗ khoét rỗng, chiều dài 2,2m, đường kính 60cm, phía trên nắp quan tài còn úp thêm một tấm gỗ cây rất nặng, cùng với 3 chiếc bình gốm bóng cổ, đường kính 18cm, cao 20cm và 3 chiếc chén gốm cổ, cao 10cm, rộng 12cm, được trang trí chạm khắc hình vỏ sò xoắn ốc, nhiều dấu cách, vạch ngang màu nâu, ở đáy mỗi chén đều khắc chữ (phúc).
Xung quanh quan tài được bao phủ bởi nhiều lớp than củi bảo vệ, bên trong quan tài có 1 hộp sọ nhỏ, xương cẳng chân, cẳng tay, xương sườn, xương vai và xương đầu gối... vẫn còn nguyên vẹn (hiện đã được mai táng cẩn thận). Phía dưới sườn sống lưng còn có 2 tấm phên gồm có 9 thanh tre nhỏ đan xen kẽ vào nhau. Bước đầu các nhà khảo cổ học xác định ngôi thuyền mộ cổ này thuộc vào niên đại thế kỷ XVI đến XVII (khoảng thời nhà Lê). Căn cứ vào bộ hài cốt trong thuyền mộ, tấm phên tre 9 thanh, và cách chôn cất thì đây là thi thể của một người phụ nữ, thuộc dòng dõi quyền quý thời xưa. Mộ được chôn cất theo phong cách truyền thống của người Việt cổ (thời văn hóa Đông Sơn). Theo người dân thì đây có khả năng là ngôi mộ của vợ ông Nguyễn Biên (một vị danh tướng thời Lê Lợi). Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đã vận chuyển toàn bộ số hiện vật trên về Bảo tàng tỉnh để phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu và trưng bày trên toàn tỉnh.
Với vị trí cách ngôi đền Thượng tướng khoảng 250m theo hướng bắc, theo các vị bô lão trong làng và niên đại của ngôi mộ thì có thể đây là ngôi mộ của vợ vị danh tướng này
|